Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:34

Thứ bảy, 20/04/2024 | 20:34

Chính sách

Cập nhật lúc 13:05 ngày 20/07/2020

Bộ Công Thương mong muốn Viện Nghiên cứu Cơ khí phát huy thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu phát triển

Tính đến cuối tháng 6/2020, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) đã ký hợp đồng đạt hơn 500 tỷ đồng. Đây là con số phản ánh hiệu quả của hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ của Viện.    
Hoạt động nghiên cứu phát triển trải rộng nhiều lĩnh vực
Đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) làm trưởng đoàn vừa tới làm việc với Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) nhằm đánh giá tình hình hoạt động KH&CN của Viện.
Báo cáo tình hình hoạt động của Viện Nghiên cứu Cơ khí, ông Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Narime đã trình bày khái quát về tình hình triển khai các hoạt động và nhiệm vụ KH&CN các cấp của Viện. Theo đó, dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” đã được Viện nghiệm thu cấp cơ sở ngày 16/7/2020.
Hiện nay, Viện Narime đang triển khai một số đề tài cấp Bộ Công Thương như “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp nhiệt ướt, năng suất từ 4.000 - 4.500 kg rác/ngày”; “Nghiên cứu chế tạo lớp phủ nanocomposite nền niken bền mài mòn, ăn mòn bằng công nghệ mạ xoa”; các đề tài cấp quốc gia trong Dự án KH&CN “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”.
Bên cạnh đó, với kế hoạch KH&CN năm 2021, Viện đã tham gia tuyển chọn đề tài KH&CN cấp Bộ mở mới “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo khớp giãn nở dạng sóng bằng thép hợp kim đàn hồi có kích thước lớn, làm việc trong môi trường có nhiệt độ và áp suất để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện”; nộp hồ sơ tuyển chọn đề tài KH&CN cấp Nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị làm sạch bề mặt chi tiết cơ khí bằng công nghệ laser sợi quang” tới Bộ KH&CN và đang chờ xét duyệt theo hướng dẫn tiếp theo của Bộ KH&CN.
Viện Narime cũng đang tích cực thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án “Phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; Nghiên cứu mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực ven biển, hải đảo” do Bộ Công Thương chỉ đạo.
Đặc biệt, thực hiện “Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025”, Viện cũng đang chuẩn bị hồ sơ tuyển chọn với một chùm các đề tài, dự án phục vụ mở rộng Nhà máy alumin Nhân Cơ.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương thăm Viện Nghiên cứu Cơ khí
Cụ thể, đề tài “Nghiên cứu xây dựng các phương án vận hành tối ưu ở các dải công suất khác nhau trên dây chuyền hiện có của Nhà máy alumin Nhân Cơ 2”; dự án “Ứng dụng hệ thống cánh khuấy chống đóng bám theo công nghệ dòng chảy xoáy (Swirl flow) thay thế cánh khuấy truyền thống của hệ thống tinh nhà máy alumin”; dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ khử oxalate bằng phương pháp dòng dung dịch sau cô đặc cho Nhà máy alumin Lâm Đồng”; dự án “Ứng dụng tự động hóa để kiểm soát tầng bùn của các thiết bị lắng rửa bùn đỏ trong dây chuyền sản xuất Alumin”.
Ngoài ra, trong chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Viện đang đăng ký thực hiện một dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống tự động hóa lưu/xuất kho và xe tự hành AGV ứng dụng trong lĩnh vực kho chứa hàng công nghiệp”. Đây là một lĩnh vực có hàm lượng KH&CN cao bắt kịp xu hướng công nghệ 4.0. Viện còn đề xuất đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, tính toán, thiết kế, hệ thống kho nguyên liệu mới cho các nhà máy xi măng” thực hiện năm 2021.
“Viện tiếp tục duy trì và phát triển các quan hệ hợp tác nghiên cứu - sản xuất với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong nước và ngoài nước để phát triển hoạt động tư vấn, thiết kế, chuyển giao công nghệ, sản xuất thiết bị, phụ tùng... Tính đến cuối tháng 6/2020, Viện đã ký hợp đồng đạt hơn 500 tỷ đồng” - ông Vũ Văn Khoa cho biết.
Duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh  
Nhìn chung, các đề tài do Viện Narime thực hiện tập trung phục vụ cho nhiều ngành như xi măng, hóa chất, nhiệt điện than, thủy điện, dầu khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng… đáp ứng mục tiêu nội địa hóa, tiết kiệm ngoại tệ; giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, tránh phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài.

Viện Nghiên cứu Cơ khí là đơn vị hàng đầu trong việc ứng dụng cơ khí - tự động hóa vào thực tế sản xuất
Chia sẻ thêm về hoạt động nghiên cứu của Viện, tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Narime - khẳng định, hầu hết các hợp đồng kinh tế thực hiện thành công của Viện thời gian qua đều là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được tích lũy trong cả giai đoạn 5 năm, thậm chí gần 10 năm thông qua quá trình thực hiện các đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ Công Thương và cấp quốc gia. 
Đến nay, Viện đã là đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Doosan,… cũng như các tập đoàn trong nước như EVN, TKV, VinGroup… Một số sản phẩm, giải pháp của Viện đã trực tiếp cạnh tranh và thắng thầu các công ty lớn của nước ngoài mà trước đó Viện tham gia làm thầu phụ. “Do đó, trong thời gian tới, Viện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Công Thương, Vụ KH&CN trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN” - tiến sĩ Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo của Viện Narime, khó khăn đối với Viện hiện nay, đó là nhiều lúc nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các đề tài KH&CN chậm so với kế hoạch nên rất khó khăn cho các chủ nhiệm đề tài và tổ chức chủ trì đề tài trong việc thực hiện về tiến độ theo quy định.

Các sản phẩm do Viện Nghiên cứu Cơ khí nghiên cứu phát triển phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ
Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án theo cơ chế thí điểm tại Quyết định 1791/QĐ-TTg không đạt như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ nên các đề tài thuộc Dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” rất vất vả, khó khăn trong việc tìm địa chỉ ứng dụng cho đề tài. Ngoài ra, việc cắt giảm đột ngột kinh phí nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng cho Viện cũng là một khó khăn lớn cho Viện trong việc đảm bảo đời sống cho cán bộ công nhân viên.
Tại buổi làm việc với Viện Narime, ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ KH&CN ghi nhận hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học xuất phát từ các đề tài các cấp Bộ, cấp quốc gia của Viện thời gian qua, thậm chí đã trở thành lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ KH&CN. Với những định hướng của Viện trong giai đoạn sắp tới cũng phù hợp với xu thế và xuất phát trên thế mạnh của Viện.
Tuy nhiên, ông Trần Việt Hòa lưu ý, trong thời gian tới, với điều kiện nguồn lực KH&CN có hạn nên Bộ Công Thương sẽ tập trung vào những đề xuất với tiêu chí hiệu quả và đủ tầm, nhằm tránh dàn trải. Theo đó, Viện cần xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn trên cơ sở phát huy các thế mạnh trong hoạt động nghiên cứu phát triển, với định hướng gắn hoạt động KH&CN của Viện với hoạt động KH&CN của ngành Công Thương và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ KH&CN phải nhằm giải quyết cơ bản trọn vẹn một vấn đề của một lĩnh vực hay ngành thông qua một trùm hoặc một chuỗi nhiệm vụ.
Định hướng phát triển Viện Narime đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trở thành nhà thầu EPC, EPCM có uy tín trong lĩnh vực khai thác và chế biến bô xít, nhiệt điện; đồng thời là nhà cung cấp các giải pháp có uy tín trong nước cho ngành công nghiệp phụ trợ và nghiên cứu, phát triển thành công các hệ thống kho chứa thông minh cho các ngành kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang