Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 23:56

Thứ tư, 24/04/2024 | 23:56

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 07:17 ngày 28/07/2020

Kiên Giang: Kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh thực phẩm

Việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo ATTP cấp tỉnh, huyện quan tâm triển khai nhằm góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác bảo đảm ATTP.
Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước
Kiên Giang có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Toàn tỉnh có 15 huyện, thị, thành phố và 145 xã, phường, thị trấn; có hơn 14.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với các loại hình: Sản xuất nước uống đóng chai, nước đá, rượu, bia, nước giải khát, các sản phẩm từ bột, cơ sở chế biến và cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, căn tin bếp ăn trường học... Trong đó, có 1.104 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương.
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước ATTP luôn được sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ngành chức năng, các địa phương. Từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố đều có Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn Vệ sinh Thực phẩm. Chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ATTP có bước nâng lên, góp phần kiểm soát hiệu quả đảm bảo ATTP trong các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.

Kiểm soát hiệu quả, đảm bảo ATTP trong các cơ sở kinh doanh thực phẩm (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, công tác tuyên truyền ngày càng được nâng cao về chất lượng và đa dạng, phong phú về hình thức, góp phần nâng lên nhận thức về ATTP cho người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở, ngành đơn vị liên quan trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP được thực hiện chặt chẽ, góp phần hạn chế được tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường, bảo đảm ATTP phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị tại địa phương.
Riêng Sở Công Thương, hàng năm đều xây dựng Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công thương và Kế hoạch cụ thể cho các dịp “Tháng hành động vì ATTP”, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán. 6 tháng đầu năm 2020, Sở đã thành lập 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành ATTP tiến hành 2 cuộc kiểm tra với tổng số cơ sở được kiểm tra 33 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành Công Thương quản lý như các loại bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các sản phẩm làm từ bột…, phát hiện 19 cơ sở vi phạm.
Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra vẫn còn phần lớn các cơ sở vi phạm phổ biến như không có giấy xác nhận kiến thức ATTP hoặc giấy hết hạn, không có giấy khám sức khỏe của người lao động, chế biến thực phẩm ở môi trường không đảm bảo vệ sinh, sử dụng hóa chất cấm trong chế biến thực phẩm .
Đồng thời, công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực ngành Công Thương hàng năm được thực hiện đúng theo Luật ATTP, Nghị định của Chính phủ và các văn bản của Bộ, ngành Trung ương quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Công Thương đã thực hiện cấp 36 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho doanh nghiệp và cấp 32 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương.
Tập trung quản lý thực phẩm theo chuỗi
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới về công tác bảo đảm ATTP của tỉnh Kiên Giang đó là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP; đẩy mạnh công tác thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tổ chức hậu kiểm các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận và chú trọng các cơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động quản lý ATTP trên địa bàn theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTT; tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao năng lực kiểm nghiệm ATTP đáp ứng tình hình mất ATTP do sử dụng các loại hóa chất cấm dùng trong thực phẩm, đặc biệt chú ý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các loại nông sản.
Đặc biệt, sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất - bảo quản - lưu thông - mua bán - sử dụng, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng các mô hình cửa hàng, siêu thị , kinh doanh thực phẩm sạch.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương Kiên Giang, khó khăn trong công tác bảo đảm ATTP hiện nay đó là chế tài xử phạt tại Điều 9 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP còn tương đối cao đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập thấp.
Hiện còn phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thiết bị thủ công không đồng bộ, thiếu các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất, bảo quản thực phẩm sạch. Công tác quản lý ATTP đối với rau, củ, quả và thịt tươi sống tại các chợ truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn không truy xuất được nguồn gốc, vì các tiểu thương mua, bán nhỏ lẻ không có hợp đồng, không có hóa đơn chứng từ.
Việc công bố chất lượng sản phẩm đối với lĩnh vực ngành Công Thương quản lý do chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nên các cơ sở khi tự công bố thì hầu hết vận dụng các quy định của ngành y tế để thực hiện và gây khó khăn cho các cơ sở trong thực hiện. Cùng với đó, lực lượng cán bộ làm công tác đảm bảo ATTP phần lớn là kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn của một số cán bộ còn hạn chế, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn.
Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý. Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính ban hành Thông tư bổ sung quy định mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh tại cùng một địa điểm…
Nguồn Báo Công Thương
lên đầu trang