Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 16/04/2024 | 12:40

Thứ ba, 16/04/2024 | 12:40

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:32 ngày 30/07/2020

Những thay đổi lớn tại một doanh nghiệp dầu khí “nhỏ”

Trong 5 năm qua, sự biến động liên tục của giá dầu đã khiến các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Dầu khí gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng nếu có một bình xét về khả năng vượt khó, linh hoạt để vượt lên nghịch cảnh thì có lẽ Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí sẽ được xếp vào nhóm đầu.
Nếu xét về quy mô doanh nghiệp thì Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) không phải “nhỏ” khi có gần 400 CBCNV, với 4 chi nhánh và 3 đơn vị thành viên, doanh thu mỗi năm đều vượt 1.000 tỉ đồng, hoạt động đầy đủ trong 3 lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ. Không những thế, PVChem hiện đang sở hữu đội ngũ kỹ sư dung dịch khoan và hóa kỹ thuật lành nghề, nhiều kinh nghiệm thực tế, có thể tự thực hiện các dự án phức tạp, kỹ thuật chuyên sâu. Nếu so sánh với các đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì PVChem chỉ thuộc dạng “em út” bởi hầu hết các đơn vị đều có quy mô cả ngàn lao động, doanh thu hằng năm vài ngàn tỉ đồng. Ấy vậy nhưng PVChem luôn là đơn vị có tính linh hoạt cao, sự đoàn kết và quyết đoán đúng thời điểm khó khăn nhất để tìm ra con đường phát triển.

Các Kỹ sư M-I Vietnam thực hiện nhiệm vụ về dung dịch khoan trên giàn khoan Hakuryu-11.
Người viết bài còn nhớ vào đầu năm 2014, ngay khi giá dầu có chiều hướng giảm sâu, kéo dài, PVChem (khi đó có tên là Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí - DMC) đã ngay lập tức triển khai đàm phán với các đối tác trong nước và quốc tế với mục tiêu giảm giá thành cung cấp dịch vụ, vật liệu. Từ đó PVChem hoàn toàn chủ động được nguồn tài chính hỗ trợ sản xuất và kinh doanh, triển khai các dịch vụ cho các đối tác trong nước. Cộng với việc dự đoán được tình trạng các đơn vị thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam sẽ giảm tối đa công tác thăm dò khai thác, dẫn đến nhu cầu hóa phẩm dầu khí phục vụ công tác khoan thăm dò sẽ giảm mạnh, PVChem đã kịp thời điều chỉnh giảm sản xuất hóa phẩm, tăng cường và mở rộng kinh doanh, dịch vụ chuyên sâu trong ngành Dầu khí trong nước cũng như trong khu vực. Với sự quyết đoán và “đi trước một bước” này, PVChem đã chủ động đối phó được với những ảnh hưởng từ giá dầu giảm sâu trong liên tục từ năm 2015 đến 2018.
Đến năm 2019, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức ép cạnh tranh từ các đối thủ lớn, nhu cầu thị trường sụt giảm, sự thay đổi chính sách tín dụng về ngoại tệ, sản phẩm đầu vào khan hiếm…, song bằng các giải pháp quyết liệt, đồng bộ cùng tinh thần quyết tâm của ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV, PVChem đã vượt qua khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD). Cụ thể, tổng doanh thu cả năm đạt 2.287 tỉ đồng, đạt 117% kế hoạch năm, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 45,2 tỉ đồng, tăng cao so với kế hoạch, bằng 281% so với năm 2018, nộp ngân sách nhà nước 151 tỉ đồng, đạt 196% kế hoạch năm.
Với nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng các lĩnh vực mà PVChem có thế mạnh, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh…, PVChem đạt được kết quả tích cực trên cả ba lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất - kinh doanh - dịch vụ. Hoạt động sản xuất hóa phẩm dầu khí được duy trì ổn định tại đơn vị thành viên với các sản phẩm chính như Xi măng G, Silicar Flour và Bentoite API.
Mặt khác, hoạt động kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, mở rộng với các sản phẩm hóa chất phục vụ cho cả khâu đầu, khâu sau trong ngành và các sản phẩm hóa chất ngoài ngành. Lĩnh vực cung cấp dịch vụ kỹ thuật luôn đóng vai trò nòng cốt trong cơ cấu sản phẩm dịch vụ và đóng góp rất lớn vào kết quả SXKD chung PVChem. Năm 2019, khối lượng công việc mảng dịch vụ dung dịch khoan gia tăng so với năm 2018, các hợp đồng cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho cả khâu đầu và khâu sau được duy trì ổn định và hiệu quả.

PVChem thực hiện dịch vụ chống ăn mòn tại các nhà máy, công trình dầu khí. 
Đặc biệt, trong năm 2019, bên cạnh tập trung SXKD, PVChem đã có nhiều thay đổi trong quản lý, quản trị, điều hành. Đồng thời, PVChem cũng chú trọng tăng cường nguồn lực, phân cấp, phân quyền cho các đơn vị thành viên để hoạt động hiệu quả; xây dựng cơ chế phát huy nguồn lực, tăng tính chủ động cho các đơn vị và xây dựng mới cơ chế tiền lương, thưởng, chế độ đãi ngộ để khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác và nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ mới.
Bước vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm nền kinh tế thế. giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với ngành Dầu khí. Khó khăn chồng chất khó khăn là thách thức to lớn đối với PVN nói chung và Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) nói riêng. Chính vì vậy, PVChem đã đưa ra nhiều kịch bản linh hoạt nhằm tối ưu hóa hoạt động, tiết giảm các chi phí nhằm giảm giá sản phẩm, dịch vụ để chia sẻ, đồng hành cùng với đối tác, khách hàng, ứng phó với tác động kép từ dịch bệnh và giá dầu giảm sâu, với mục tiêu duy trì ổn định hoạt động SXKD, hướng tới sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Năm 2020 cũng là năm đầu tiên PVChem thực hiện chiến lược phát triển với những bước chuyển mình mạnh mẽ và toàn diện, tập trung phát triển đồng đều cả 3 lĩnh vực sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, trong đó đặt trọng tâm duy trì dịch vụ cốt lõi là dung dịch khoan. Đồng thời, PVChem sẽ tiếp tục gia hạn hợp đồng liên doanh và mở rộng lĩnh vực hợp tác với đối tác Schlumberger tại M-I Vietnam ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống là dung dịch khoan như xi măng công nghệ cao, ngăn cách nước, gia tăng thu hồi dầu...
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2020, để đối phó với khó khăn chồng chất, PVChem đã liên tục thực hiện tiết giảm các chi phí nhằm giảm giá sản phẩm, dịch vụ để chia sẻ, đồng hành cùng với đối tác, khách hàng vượt khó, duy trì ổn định hoạt động SXKD. Đồng thời PVChem luôn chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường về cung cầu, biến động giá của dầu thô, sản phẩm dầu khí, để tận dụng khá tốt các cơ hội duy trì ổn định hoạt động ở cả ba lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ - sản xuất.

PVChem khảo sát chuẩn bị cho Gói thầu số 01 trong đợt bảo dưỡng tổng thể lần 4, Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất.
Đối với lĩnh vực kinh doanh, bên cạnh việc chủ động tìm kiếm nguồn hàng thay thế nguồn hàng có xuất xứ từ các nước có dịch, PVChem đã tính toán kỹ lưỡng nhu cầu hóa phẩm, thiết bị đảm bảo lượng hàng lưu kho đủ phục vụ nhu cầu của các nhà thầu đồng thời tránh tồn kho lớn để tối ưu hóa chi phí.
Tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm, Tổng giám đốc PVChem Hoàng Trọng Dũng cho biết, PVChem áp dụng các biện pháp vừa phòng dịch hiệu quả song vẫn đảm bảo chất lượng và thời gian cung cấp sản phẩm nên nhận được sự tin tưởng, đánh giá cao của khách hàng. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiêu thụ các loại hóa chất phục vụ ngành Dầu khí, PVChem đã tiêu thụ được 35.000 tấn lưu huỳnh nhập khẩu, đám phán ký mới được các hợp đồng cung cấp hóa chất cho Biển đông JOC trong giai đoạn 2020-2022, gia hạn các hợp đồng cung cấp hóa chất cho Cửu Long JOC, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn…
Có thể thấy rằng, những thay đổi cơ bản từ chiến lược kinh doanh của PVChem để thích ứng kịp thời trong 5 năm qua phải là ngẫu nhiên. Những cú “vượt cạn” ngoạn mục của Tổng công ty có dấu ấn rất lớn của một tập thể lãnh đạo trẻ, đoàn kết, có trình độ quản trị cao, quyết đoán. Đây là thế hệ quản lý mới có cả một quá trình hàng chục năm phấn đấu, rèn giũa tại nhiều đơn vị, lĩnh vực trong PVN. Họ là những đảng viên tiêu biểu được lãnh đạo Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lựa chọn kỹ lưỡng, tin tưởng giao phó trọng trách tiên phong trong bối cảnh phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, PVChem có doanh thu đạt 878,5 tỉ đồng, lợi nhuận 15,1 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 45,46 tỉ đồng, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân 19,3 triệu đồng/tháng.
Theo Tạp chí điện tử Petrotimes
lên đầu trang