Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 00:58

Thứ tư, 24/04/2024 | 00:58

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:30 ngày 30/07/2020

Ứng dụng công nghệ hiện đại để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Một trong những giải pháp quan trọng để Hà Nội đạt được kế hoạch thực hiện Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020, đó là làm chủ và ứng dụng các công nghệ hiện đại.   
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, để Chương trình tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao, những năm qua, Hà Nội bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thì các đối tượng sử dụng nhiều năng lượng là cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà, trung tâm thương mại trong danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm đã được yêu cầu kiểm toán năng lượng, và phải đưa ra giải pháp đổi mới công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Mô hình Nhà máy điện rác Nam Sơn
Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, Sở Công Thương đã tiến hành kiểm toán 213 cơ sở sử dụng năng lượng trong các hoạt động công nghiệp, xanh hóa nguồn sản xuất và phân phối điện năng; xây dựng 5 bộ công cụ, mô hình tính toán chỉ số hiệu quả năng lượng theo công nghệ “công nghiệp thế hệ 4.0”; đồng thời, tiến hành hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thông qua đó phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng đến cơ sở sử dụng, doanh nghiệp, nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp.
Trong lĩnh vực tòa nhà và chiếu sáng công cộng, giai đoạn 2016 – 2020, đã thực hiện kiểm toán năng lượng cho 72 cơ sở, tòa nhà, hỗ trợ 5 đơn vị xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, mô phỏng năng lượng cho 14 cơ sở. Song song đó, đã yêu cầu sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng (đèn LED) trong hệ thống chiếu sáng công cộng của thành phố. Ứng dụng chiếu sáng công nghệ đèn LED thay thế đèn chiếu sáng giao thông và đèn chiếu sáng kiến trúc, thử nghiệm sản phẩm đèn LED chiếu sáng đường phố, hoàn thành thí điểm xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị tiết kiệm điện năng thông minh; lắp thử nghiệm hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió...
Đối với lĩnh vực giao thông, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch trong hoạt động giao thông vận tải, thí điểm đưa vào vận hành 3 tuyến xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch khí CNG giúp giảm phát thải các chất độc hại ra môi trường, phát triển xe buýt BRT, xe buýt 2 tầng để phục vụ du lịch…
Đặc biệt, một loạt các dự án “biến rác thải sinh hoạt thành điện năng” cũng đã được triển khai như: Dự án xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn, với công suất 75 tấn/ngày, đêm, công suất phát điện 1,93 MW; dự án Nhà máy điện Sóc Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày, đêm, công suất phát điện 75 MW (đang trong giai đoạn triển khai xây dựng); dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng công suất 500 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 12 MWh tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn trên địa bàn thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì, hiện dự án này đang trong giai đoạn đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, để giải được bài toán công nghệ, bản thân doanh nghiệp phải thực sự coi đó là vấn đề sát sườn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm về lợi ích công nghệ mang lại, đặc biệt với những lĩnh vực, ngành nghề mà chi phí năng lượng trên giá thành sản phẩm thấp.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tiết kiệm được 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng và giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5% trên toàn thành phố.
Theo Báo Công thương
lên đầu trang