Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:20

Thứ sáu, 19/04/2024 | 07:20

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 07:22 ngày 02/08/2020

Tiên phong chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Nhằm thiết lập hệ thống phân phối hàng hóa, phục vụ đa dạng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và khu vực miền núi nói chung đã có bước phát triển đáng khích lệ.  
Theo Sở Công Thương, đầu tư trong lĩnh vực thương mại giai đoạn từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh tăng trưởng đột phá, với mức tăng 21,3%/năm. Toàn tỉnh hiện có 119.700 cơ sở kinh doanh thương mại, tăng 21.648 cơ sở so với năm 2015. Trong đó, có 391 chợ và 20 siêu thị, trung tâm thương mại được công nhận theo quy định. Đặc biệt, với sự vào cuộc, đầu tư hệ thống siêu thị của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành bán lẻ, như: Trung tâm Thương mại Vincom Centre (Tập đoàn Vingroup), Siêu thị Big C (Tập đoàn Central Group của Thái Lan), Siêu thị Co.opmart (Sài Gòn Co.opmart); Siêu thị Mediamart (Công ty CP MediaMart), Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, hệ thống siêu thị của Thế giới Di động...
Thanh Hóa cũng là địa phương đi đầu cả nước trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và xây dựng chợ an toàn thực phẩm. Với 164 chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh và 99 chợ đã được chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác. Đặc biệt, sau chuyển đổi, các chủ đầu tư mới đã xây dựng, cải tạo chợ đáp ứng các tiêu chí vệ sinh, thúc đẩy hoạt động giao thương tại chợ truyền thống.
Tại khu vực huyện miền núi, hệ thống các siêu thị miền Tây của Công ty TNHH Thương mại MTV Miền núi Thanh Hóa đã phủ khắp 11 huyện, với hơn 100 chợ và hàng nghìn cửa hàng tự chọn, bán lẻ. Cơ cấu hàng hóa ở các chợ đa dạng, trong đó hàng Việt chiếm tới 90%.
Để thúc đẩy hệ thống chợ phát triển, nhiều địa phương đã tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Tiêu biểu như: Huyện Cẩm Thủy có 13 chợ/17 xã, thị trấn và đã có 5 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; 8 chợ kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại phát triển đã đóng góp tích cực cho thương mại nội địa trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng khá, từ 15 - 20%. Người dân có nhiều sự lựa chọn, bằng nhiều hình thức kinh doanh hàng hóa, như: Siêu thị, chợ, cửa hàng tự chọn, cửa hàng bán lẻ. Giá cả hàng hóa cũng ổn định, không có tình trạng khan hiếm hàng, ép giá, kể cả dịp lễ, Tết.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, tuy đã có sự phát triển đáng ghi nhận, song nhìn chung hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn vẫn chưa bảo đảm về số lượng, phân bố chưa đồng đều giữa các địa phương; quy mô các chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ còn khiêm tốn. Do đó, hệ thống hạ tầng thương mại phát triển hơn nữa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong tỉnh. Để tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện khuyến khích nhà đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, nhất là khu vực xa trung tâm. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Chú trọng đến việc đưa các nhóm hàng hóa nông sản, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương vào kinh doanh, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nội tỉnh.
Giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Thanh Hóa định hướng phát triển đồng bộ hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho logistics... và coi đó là những giải pháp quan trọng giúp thông suốt dòng chảy hàng hóa, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang