Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:08

Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:08

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 20:42 ngày 11/08/2020

Viện nghiên cứu ngành Công Thương: Không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KHCN

Trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH-CN) của các viện nghiên cứu ngành Công Thương đã được nâng cao rõ rệt nhờ việc triển khai đẩy mạnh gắn hoạt động nghiên cứu với yêu cầu của thị trường cũng như chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đảm bảo trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Gắn hoạt động nghiên cứu với thị trường
Hoạt động KH-CN là hoạt động nghiên cứu khoa học, triển khai các thực nghiệm, tiến hành phát triển công nghệ và các ứng dụng của công nghệ cùng với dịch vụ KH-CN, từ đó có thể phát huy toàn bộ những sáng kiến, hoạt động sáng tạo để phát triển KH-CN.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả trong bối cảnh thế giới đang gồng mình chống đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam cũng nằm trong số ít các nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Trong kết quả đó, vai trò của KH-CN càng ngày càng được khẳng định.
Tại các viện nghiên cứu của ngành Công Thương, để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KH-CN, ngoài thực hiện chuyển đổi tổ chức, mô hình hoạt động, trong thời gian qua, các viện đã tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học gắn với thực tế sản xuất.
Đơn cử như tại Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, nhờ công tác nghiên cứu khoa học của Viện gắn với thực tế sản xuất, sau nhiều năm nghiên cứu, Viện đã chọn lọc, lai tạo được nhiều giống cây có dầu có năng suất cao, chất lượng tốt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là giống quốc gia. Những giống này đã góp phần không nhỏ vào việc mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của các cây có dầu.
Có thể kể đến các giống dừa như dừa Ta, Dâu, Xiêm, Ẻo, Dứa, Sáp do Viện sản xuất có chất lượng cao (cây khỏe, không sâu bệnh, đúng giống), được bà con nông dân và các đơn vị trồng dừa tin tưởng tiêu thụ. Hay các giống lạc VD01-1 và VD01-2 đang được lưu giữ của Viện có năng suất từ 3,5 - 4 tấn/ha, hàm lượng dầu từ 50-52%.
Sản phẩm nước gấc tự nhiên, dấm táo mèo lên men và rượu táo mèo Sân Đình của Viện Công nghiệp thực phẩm được người tiêu dùng đón nhận.
Một điển hình khác là Viện Công nghiệp thực phẩm đã nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ và chuyển giao hàng chục quy trình công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học cho các doanh nghiệp thực phẩm, tạo ra sản phẩm thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Điển hình là các sản phẩm thực phẩm thực phẩm và thực phẩm chức năng như: Đường chức năng Platinose Isomaltulose, nước gấc tự nhiên, dấm táo mèo lên men, rượu táo mèo Sân Đình,…Đây đều là những sản phẩm đã được thương mại hóa và lưu thông trên thị trường, được người tiêu dùng hết sức đón nhận.
Tương tự, Viện Công nghiệp giấy và Xenluylô đã và đang triển khai một số công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, trong đó điển hình là công trình hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất giấy bao gói chất lượng cao dùng cho thực phẩm dạng khô. Kết quả nghiên cứu đã giúp tạo ra sản phẩm giấy bao gói thực phẩm khô với nhiều ưu điểm như nhẹ, chịu nhiệt, sản phẩm đa dạng, rẻ tiền, dễ thích ứng được nhiều sản phẩm thực phẩm, dễ in ấn tạo nên sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn cho sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng tái chế hoặc tự phân hủy trong môi trường.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Để hoạt động nghiên cứu KH-CN đạt hiệu quả cao nhất tại các viện nghiên cứu không thể bỏ qua yếu tố nguồn nhân lực. Nhận thức được tầm quan trọng trong xây dựng đội ngũ nhân lực KH-CN, trong thời gian qua, các viện nghiên cứu ngành Công Thương đã quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo, đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thu hút, trọng dụng các nhà khoa học.
Tại Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa, ban lãnh đạo Viện đã tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mang tính chuyên môn hóa cao, có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc độc lập cũng như kỹ năng làm việc nhóm trong môi trường hội nhập quốc tế, với năng lực và trình độ tiếp cận KH&CN hiện đại của khu vực và thế giới.
Theo đó, đến năm 2025, Viện phấn đấu tỷ lệ nguồn nhân lực KH-CN có học vị tiến sĩ hoặc nghiên cứu viên cao cấp đạt 10 - 15%; tỷ lệ cán bộ trên đại học đạt 30 - 35% và 50 - 60% cán bộ khoa học có thể trao đổi học thuật với các chuyên gia nước ngoài bằng tiếng Anh.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Cơ khí cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, cán bộ, công nhân viên trong viện là 500 người; trong đó, trên đại học khoảng 150 người, trên 300 người có trình độ kỹ sư, còn lại là công nhân kỹ thuật tay nghề cao. Đặc biệt, ít nhất có 40% cán bộ thành thạo một ngoại ngữ, 70% cán bộ có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong nghiên cứu, thiết kế.
Viện Nghiên cứu cơ khí đặt mục tiêu đến năm 2030 có trên 300 người có trình độ kỹ sư.
Mới đây, Bộ Công Thương đã bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng mới Viện Công nghiệp thực phẩm. Phát biểu nhận nhiệm vụ, PGS.TS Vũ Nguyễn Thành – Tân Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm đã khẳng định, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, cán bộ có trình độ chuyên môn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện trong thời gian tới, phấn đấu đưa Viện Công nghiệp thực phẩm trở thành viện nghiên cứu hàng đầu cả nước trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung, đội ngũ cán bộ nghiên cứu ở các viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương được đào tạo cơ bản, nhiều người được đào tạo ở các nước phát triển, đáp ứng yêu cầu trong hoạt động nghiên cứu triển khai của ngành trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thách thức trong phát triển nguồn nhân lực hiện nay đó là, lực lượng chuyên gia giỏi, đầu ngành đều đã nhiều tuổi hoặc sắp được nghỉ hưu theo chế độ, trong khi lực lượng kế cận còn mỏng… Do đó, nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất của cán bộ quản lý, nghiên cứu KH-CN là một trong những nhiệm vụ ngành Công Thương sẽ tiếp tục tập trung trong thời gian tới.
Thành Chung
lên đầu trang