Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:44

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:44

Chính sách

Cập nhật lúc 11:00 ngày 10/08/2020

Việt Nam hướng tới phát triển công nghiệp sinh học tuần hoàn, bền vững

Với những thành tựu khoa học, công nghệ vượt bậc của nhân loại, công nghệ sinh học (CNSH) từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới. Ở Việt Nam, CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đã có những tiến bộ nhanh chóng, tuy nhiên chưa thực sự trở thành ngành công nghiệp sinh học và chưa tạo ra các sản phẩm chủ lực cho nền kinh tế quốc dân.
Thực hiện Quyết định 14/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020” (Đề án), Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ KHCN.
Nếu như ở giai đoạn 2007 – 2020, các nhiệm vụ KHCN chỉ là những đề tài, dự án CNSH trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến thì ở giai đoạn 2030, Bộ Công Thương hướng tới sự phát triển lớn hơn, theo hướng công nghiệp tiến tới thành ngành công nghiệp sinh học.
Để tìm hiểu về định hướng xây dựng ngành công nghiệp sinh học giai đoạn đến 2030, ngày 04/08/2020, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề “Hướng tới phát triển công nghiệp sinh học”. Khách mời tham gia chương trình là TS. Đặng Tất Thành – Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương).
TS. Đặng Tất Thành - Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ trao đổi tại tọa đàm "Hướng tới phát triển công nghiệp sinh học” của Đài Truyền hình Việt Nam.
MC: Xin ông cho biết về việc hình thành ngành công nghiệp sinh học, một ngành công nghiệp còn khá mới mẻ tại Việt Nam mà Đề án đang hướng tới?
TS. Đặng Tất Thành: Thực ra nói đến CNSH chúng ta đã bắt đầu từ năm 2005 khi Ban bí thư ban thành Chỉ thị số 50. Từ đó có nhiều Bộ, ngành tham gia vào quá trình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phát triển CNSH, trong đó Bộ Công Thương triển khai Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Sau khoảng 10-15 năm triển khai CNSH trong toàn quốc thì chúng ta gặt hái được khá nhiều kết quả thành công. Tuy nhiên những đóng góp của những nghiên cứu về CNSH mới chỉ là những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và bước đầu triển khai ở quy mô công nghiệp, những đóng góp về mặt thực tiễn tạo ra các sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường người tiêu dùng thì vẫn còn chưa nhiều.
Chính vì vậy chưa có nhiều người biết đến khái niệm CNSH. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã Ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển tổng thể phát triển công nghiệp sinh học tại Việt Nam. Đây chính là căn cứ pháp lý rất quan trọng để chúng ta triển khai phát triển CNSH.
MC: Có thể thấy việc hình thành ngành công nghiệp sinh học cũng là tương lại rất gần với chúng ta. Vậy chúng ta cần có những định hướng cụ thể như nào để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào sân chơi mới như này?
TS. Đặng Tất Thành: Giai đoạn 2030, trong định hướng phát triển, Đề án phát triển CNSH ngành Công Thương vẫn hướng tới mục tiêu là lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phát triển thúc đẩy hàng hóa, tạo ra các sản phẩm có giá từ các nguyên liệu phong phú ở trong nước. Bên cạnh đó, để hỗ trợ các DN chúng ta cần có các chính sách, những phương án hỗ trợ cho DN tốt hơn. Trong giai đoạn vừa rồi chúng ta đã đầu tư rất nhiều, tuy nhiên nguồn kinh phí nhà nước còn chưa nhiều nên vẫn đáp ứng được nhu cầu triển khai các nhiệm vụ từ nghiên cứu ban đầu đến việc hoàn thiện sản phẩm. Chúng ta vẫn cần phải tiếp tục hỗ trợ DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giữa các nhà khoa học với các DN một cách chặt chẽ, để các nhà khoa học có thể chuyển giao được công nghệ cho các DN và giải mã công nghệ để các DN tiếp cận công nghệ dễ dàng hơn. Ngoài ra, các DN cũng dễ tìm kiếm các thông tin liên quan đến công nghệ hoặc sản phẩm để phù hợp với định hướng phát triển của DN.
Chúng ta sẽ phải triển khai quá trình theo chuỗi, tức là hỗ trợ DN từ quá trình nghiên cứu đến quá trình sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện về mẫu mã và hỗ trợ các DN trong quá trình xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm, hàng hóa được tạo ra từ chính các nghiên cứu đó.
MC: Như ông có vừa chia sẻ là việc hình thành ngành công nghiệp sinh học trong thời gian tới sẽ vẫn lấy DN làm trọng tâm. Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế, mối liên kết giữa DN và các nhà khoa học còn đang gặp rất nhiều những hạn chế. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
TS. Đặng Tất Thành: Để kết nối giữa các DN và các nhà khoa học và chuyển giao các công nghệ vào trong DN phù hợp với thực tiễn phát triển và nhu cầu định hướng phát triển của DN thì chúng ta cần có các đơn vị trung gian. Họ có cơ sở hạ tầng về mặt nghiên cứu, thiết bị hỗ trợ các nhà khoa học hoàn thiện sản phẩm và xác nhận công nghệ này sẵn sàng có thể chuyển giao được cho DN. DN chỉ cần tiệp cận được công nghệ là có thể đưa vào sản xuất.
Trung tâm này phải có các cơ sở dữ liệu về chuyên gia, bởi vì ngoài việc DN cần về công nghệ, cần về sản phẩm để phát triển thì họ cũng phải cần các chuyên gia để tư vấn. Nếu như các trung tâm này có các cơ sở dữ liệu thì sẽ có thể cung ứng một cách đầy đủ và cần thiết để hỗ trợ các DN. Các trung tâm này có thể xúc tiến giúp tư vấn cho các DN trong quá trình sản xuất kinh doanh hoặc kể cả trong công tác truyền thông sản phẩm sau qua trình triển khai hỗ trợ DN về mặt công nghệ.
MC: Ông có thể đánh giá đôi nét về những sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ chế biến hiện nay như thế nào?
TS. Đặng Tất Thành: Trong 13 năm triển khai, Đề án phát triển ứng dụng CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến của Bộ Công Thương triển khai đã nghiên cứu được gần 300 quy trình công nghệ, trong đó cũng tạo được hàng trăm sản phẩm đã được nghiên cứu sản xuất và nhiều sản phẩm đã được kinh doanh, lưu thông trên thị trường.
MC: Thưa ông, có nhiều khán giả thắc mắc về một số từ khóa như “triển khai nhiệm vụ công nghệ, KHCN theo chuỗi sản phẩm” hay là “giá trị gia tăng của nguồn nguyên liệu”. Vậy ông có thể giải thích rõ hơn về cách thức triển khai này như thế nào?
TS. Đặng Tất Thành: Thực tế cho thấy nguồn nguyên liệu của Việt Nam rất dồi dào như gạo, ngô, khoai, sắn.. Đó là các sản phẩm về nông sản, hay là các phụ phẩm trong quá trình chế biến nông sản hoặc là các nguyên liệu thủy sản và phụ phẩm. Trong giai đoạn vừa rồi chúng ta đã đưa công nghệ vào để khai thác và nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên chúng ta chưa triển khai toàn diện, liên tục từ giai đoạn đầu đến sản phẩm cuối cùng (từ nguyên liệu đến sản phẩm lưu thông trên thị trường). Chính vì vậy, khái niệm chuỗi sẽ nằm ở chỗ hỗ trợ các DN, các nhà nghiên cứu theo con đường từ nghiên cứu những nguyên liệu ban đầu đến sản phẩm cuối cùng, hoàn thiện và xúc tiến thương mại, thì đó gọi là chuỗi. Và quá trình sản xuất phải đảm bảo an toàn môi trường, ATTP, tạo ra quá trình sản xuất tuần hoàn.
MC: Với việc đính hướng phát triển ngành công nghiệp sinh học từ các nguồn nguyên liệu này định hướng của chúng ta trong thời gian tới sẽ như thế nào thưa ông?
TS. Đặng Tất Thành: Trong thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh các quá trình nghiên cứu theo chuỗi và tuần hoàn. Tuy nhiên, cũng phải theo chiều ngang, tức là chúng ta khai thác triệt để các nguồn nghiên liệu ở sản lượng, đặc tính của nguyên liệu, đưa các cụm công nghệ. Sau đó, từ các cụm công nghệ ra các chuỗi sản phẩm, và các chuỗi sản phẩm này sẽ giải quyết triệt để có ra các giá trị gia tăng cao từ một nguồn nguyên liệu như vậy.
Tôi nghĩ rằng trong tương lai chúng ta sẽ phải đưa các cụm nghiên cứu phát triển để phù hợp với từng dạng nguyên liệu khác nhau. Ví dụ như chúng ta phát triển các sản phẩm lên men - một trong những lợi thế của người Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều những sản phẩm lên men, chúng ta có thể nghiên cứu, phát triển tạo thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn; hoặc tạo nên các nguyên liệu hóa dược – có vùng sản xuất rất phong phú, từ cây dược liệu đến các loại nấm. Chúng ta tạo ra được các sản phẩm hóa dược vừa là dạng thô hoặc đến các sản phẩm cuối cùng là các thực phẩm bảo vệ sức khỏe hoặc chính là các nguyên liệu dùng cho quá trình làm thuốc. Chúng ta cũng cần khai thác, sản xuất các thiết bị liên quan đến quá trình công nghệ chúng ta đã có để tạo ra những mô hình gọi là sản phẩm 100% Việt Nam. Từ nghiên cứu từ công nghệ, đến thiết bị do chính người Việt Nam sản xuất.
Chúng ta phải hoàn thiện hơn trong hệ thống phân phối nội địa, hỗ trợ trong quá trình xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm và công nghệ. Đây cũng là một trong những định hướng trong giai đoạn tiếp theo để triển khai thành công quá trình CNH –HĐH .
MC: Dựa trên những thành tưu và kết quả của Đề án trong giai đoạn 2007 -2020 và trong giai đoạn đến năm 2030, Đề án sẽ tập trung và định hướng phát triển như thế nào để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp sinh học phát triển hơn?
TS. Đặng Tất Thành: Đề án bám theo các mục tiêu chính và các mục tiêu cụ thể của Quyết định 553/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó sẽ đẩy mạnh các hướng nghiên cứu:
  • Nghiên cứu khai thác tối đa các giá trị của các vùng nguyên liệu để đưa ra các chuỗi sản phẩm để cung ứng cho thị trường trong nước.
  • Rà soát lại các đầu tư về cơ sở hạ tầng và các phòng thí nghiệm để hình thành các phòng thí nghiệm hoạt động hiệu quả để hỗ trợ quá trình nghiên cứu ở trong nước.
  • Tham gia đào tạo các chuyên gia về CNSH, đào tạo về nguồn nhân lực CNSH.
Thông qua quá trình triển khai các nhiệm vụ KHCN, việc kết hợp đầy đủ 3 hướng từ nghiên cứu đến đầu tư đến con người thì xu hướng tiếp theo chắc chắn sẽ thành công.
MC: Xin cảm ơn ông!
Hà Nguyễn ghi (Trang tin Đề án công nghệ sinh học)

lên đầu trang