Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 01:01

Thứ tư, 24/04/2024 | 01:01

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 06:04 ngày 13/08/2020

Bộ Công Thương: Xây dựng hệ thống phân phối gắn với an toàn thực phẩm

Bộ Công Thương đang triển khai loạt giải pháp nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản thực phẩm, đưa hàng hóa an toàn đến với người tiêu dùng. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) 
Xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, trong đó, có mô hình chợ an toàn thực phẩm (ATTP), được Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai thời gian qua. Xin bà chia sẻ đôi nét về hiệu quả của hoạt động này?
Những năm qua, thực hiện mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng thương mại mà Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính, cả nước đã phát triển được hơn 5.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân phối thực phẩm an toàn, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, do đảm bảo nguồn gốc xuất xứ cũng như truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, hệ thống hơn 8.500 chợ truyền thống cũng được Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ATTP.
Ngoài ra, Đề án Xây dựng chợ ATTP được Bộ Công Thương triển khai tại 62/63 tỉnh, thành phố, đã có 66 chợ được xây dựng mô hình thí điểm. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP về một số điều của Luật ATTP, giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố về vấn đề ATTP tại chợ truyền thống. Từ đó, các địa phương đã dành nhiều nguồn lực cho hạng mục này, kêu gọi xã hội hóa công tác xây dựng hạ tầng chợ truyền thống. Đến nay, hơn 125 chợ truyền thống được xây dựng trên cả nước, tạo điều kiện phân phối và phát luồng nông sản an toàn đến người tiêu dùng.
Những hoạt động kết nối cung - cầu nào đã được Bộ Công Thương triển khai nhằm hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, giúp hệ thống phân phối có được nguồn hàng chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn, thưa bà?
Kết nối cung - cầu là hoạt động đã được Bộ Công Thương triển khai suốt hơn 10 năm qua. Riêng với mặt hàng nông sản thực phẩm, hoạt động kết nối trong giai đoạn đầu triển khai đã giúp “giải cứu” thành công nhiều loại nông sản như dưa hấu, hành tím, vải thiều… khi ta chưa cân đối được cung - cầu. Thông qua những chương trình đầu tiên đó, chúng tôi đã có những công cụ kết nối cung - cầu bền vững hơn như Chương trình bình ổn thị trường, giúp đưa nông sản, hàng hóa vào các điểm bán hàng bình ổn với điều kiện hàng hóa phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP và bình ổn giá. Nhiều chương trình kết nối cung - cầu thành công, thu hút hàng triệu người tiêu dùng tới mua sắm như chương trình đặc sản vùng miền Tây Bắc; kết nối tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang, Hải Dương, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long… Nhờ đó, các mặt hàng đặc sản đã được đưa lên quầy kệ bán thường xuyên, ổn định đầu ra.

Nhiều chương trình kết nối cung - cầu được tổ chức thành công
Chương trình thứ hai chúng tôi làm thành công về nông sản là Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 - 2020, đưa các mặt hàng nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào những kênh phân phối hiện đại và được các hệ thống phân phối lớn nhất của Việt Nam hưởng ứng.
Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ xây dựng các điểm bán hàng OCOP và tổ chức chương trình kết nối sản phẩm OCOP với điểm bán. Đến nay, đã có 22 mô hình được xây dựng, hoạt động hiệu quả, giúp các cơ sở sản xuất hàng OCOP tăng doanh thu, tạo tiếng vang cho chương trình.
Sắp tới, chúng tôi mong muốn sẽ xây dựng một chương trình hay hơn là phát triển hình thức mua sắm trực tuyến đối với nông sản, đặc sản vùng miền. Việc này có thuận lợi do vừa qua, khi xảy ra dịch Covid-19, các doanh nghiệp bán lẻ đã có kinh nghiệm bán hàng trực tuyến.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bằng mọi cách cân đối được cung - cầu hàng hóa thiết yếu, trong đó, có lương thực, thực phẩm. Những giải pháp cụ thể nào được Bộ Công Thương triển khai nhằm thực hiện nhiệm vụ này?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản về chỉ đạo tuyến để các Sở Công Thương xây dựng chương trình bình ổn thị trường.
Ngay khi xảy ra đợt dịch đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 04, giao Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, chỉ đạo các Sở Công Thương, kênh phân phối cân đối cung - cầu mặt hàng thiết yếu, mặt hàng chống dịch. Chúng tôi bám sát 5 kịch bản theo 5 cấp độ của dịch, quán triệt nguyên tắc 4 tại chỗ: Chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ và 3 sẵn sàng: Chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương. Đây là những chỉ đạo giúp chống dịch hiệu quả, bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân và ATTP.
Giai đoạn 2 dịch bệnh, chúng tôi tiếp tục kích hoạt lại các kịch bản chống dịch theo những phương án được giao để bất cứ tình huống nào, hàng hóa cũng lưu thông, điều tiết ổn định. Đến nay, thông qua hệ thống phân phối rộng khắp, hàng hóa đã được cung ứng đầy đủ đến hàng trăm triệu người dân với giá ổn định, đảm bảo ATTP.
Xin cảm ơn bà!
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang