Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 11:41

Thứ sáu, 29/03/2024 | 11:41

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 20:14 ngày 13/08/2020

An toàn thực phẩm: Đa dạng hình thức tuyên truyền

Bằng nhiều hình thức lồng ghép tuyên truyền về an toàn thực phẩm (ATTP), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã góp phần định hướng người tiêu dùng mua và sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
ATTP là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người. Những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với tổ chức thành viên, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, quy định về điều kiện đảm bảo ATTP tới người dân như: Luật ATTP, Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các vấn đề ATTP trong tình hình mới; tuyên tuyền Tháng hành động về vệ sinh ATTP bằng nhiều hình thức như treo băng zôn, khẩu hiệu, lồng ghép tuyên truyền vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… nhằm vận động người tiêu dùng mua và sử dụng các loại thực phẩm có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thực phẩm đảm bảo vệ sinh…

Lồng ghép tuyên truyền an toàn thực phẩm trong các cuộc vận động
Ở nhiều địa phương, MTTQ đã phát động các phong trào bảo đảm ATTP gắn với Cuộc vận động xây dựng làng, xã văn hóa ở khu dân cư, nhằm thúc đẩy hình thành hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông – lâm – thủy sản an toàn; hướng dẫn hộ nông dân, cơ sở kinh doanh thực phẩm sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, để vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, quy định của nhà nước về ATTP, MTTQ Việt Nam còn thực hiện nhiệm vụ giám sát các hoạt động quản lý nhà nước về ATTP của chính quyền, các cơ quan nhà nước; phối hợp với cơ quan nhà nước kiểm tra trực tiếp hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại một số cơ sở.
Qua thực tế triển khai, MTTQ nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại trong công tác tuyên truyền, vận động của hệ thống cần đổi mới do còn đơn điệu về hình thức, chưa phong phú về nội dung; công tác phối hợp kiểm tra liên ngành có thời điểm chưa chặt chẽ, chủ yếu tập trung vào những đợt cao điểm, tháng hành động, các dịp lễ, Tết; một bộ phận người dân nhận thức chưa đẩy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn…Vì vậy, thời gian tới, hệ thống MTTQ các cấp, tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan quản lý nhà nước về ATTP sẽ tích cực đổi mới tuyên truyền, vận động cả về nội dung lẫn hình thức. Bên cạnh hình thức tuyên truyền truyền thống vốn có, MTTQ sẽ tích cực tuyên truyền bằng hình thức sân khấu, hội thi, tuyên truyền trên các phương tiện di động của cá nhân.
Thêm vào đó, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh nội dung một số văn bản quy phạm về ATTP để sát thực tiễn; bãi bỏ những văn bản chồng chéo; tăng cường kinh phí, phương tiện, cán bộ cho công tác quản lý nhà nước về ATTP, nhất là cấp cơ sở trực tiếp; tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành, chuyên ngành đối với công tác quản lý nhà nước về ATTP các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm để đảm bảo tính răn đe. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác ATTP đã có chuyển biến rõ nét, hoạt động sản xuất an toàn từng bước phát triển mạnh. Nhiều địa phương hình thành các mô hình sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp sạch đã được đầu tư xây dựng, làm cơ sở để nhân rộng, phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang