Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 23:31

Thứ năm, 28/03/2024 | 23:31

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 13:52 ngày 14/08/2020

Ngành Công Thương: Tăng cường giám sát, hậu kiểm về an toàn thực phẩm

Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của người dân mà còn thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển kinh tế. Vì vậy, trong thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP luôn được tỉnh Ninh Bình quan tâm đặc biệt và được triển khai một cách chủ động, kịp thời.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, bà Đỗ Thị Giàn- Chánh thanh tra Sở Công Thương Ninh Bình cho biết – Trong những năm gần đây Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm quan nên công tác đảm bảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được các cấp chính quyền tỉnh Ninh Bình hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao. Riêng giai đoạn 2016-2018, Sở Công Thương đã tổ chức ký cam kết đối với 248 cơ sở kinh doanh, các điểm bán thịt dê tươi sống tự phát trên tuyến đường Tràng An, Bãi Đính, Cố đô Hoa Lư và các nhà hàng ăn uống, cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP. Đồng thời để thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP lĩnh vực Công Thương thì chỉ riêng năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 Sở đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo điều hành về ATTP.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP thông qua các hình thức như: Tổ chức hội tuyên truyền; phát động phong trào tới các huyện/ thành phố triển khai tổ chức các hoạt động truyền thông, cổ động, tuyên truyền hành động vì an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện/thành phố “Hành động vì ATTP” thông qua việc treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền tới người dân; phối hợp tuyên truyền thông, phát trên đài truyền hình tỉnh qua các đợt kiểm tra liên ngành, chuyên ngành…
Đối với các Trung tâm thương mại và siêu thị đang hoạt động trong thời gian qua Sở đã kết hợp sát hạch, xác nhận kiến thức ATTP và đã tập huấn cho 600 lượt cán bộ quản lý và nhân viên kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng.
Hiện theo số liệu thống kê năm 2019 tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương Ninh Bình là 4.868 cơ sở, trong đó có 57 doanh nghiệp (21 doanh nghiệp sản xuất và 36 doanh nghiệp kinh doanh) và 4.811 cơ sở (1.603 cơ sở sản xuất thực phẩm và 3.208 cơ sở kinh doanh thực phẩm), số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP khoảng 250 cơ sở, toàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đến nay là 184 cơ sở. Trong đó, Sở Công Thương đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 57/57 cơ sở; đạt 100%, tuyến huyện đã cấp 127/193 cơ sở, đạt 65%.
Nói về những khó khăn thách thức đặt ra cho Sở trong công tác quản lý đặc biệt là sau khi Chi cục Quản lý thị trường tách ra và thành lập Cục Quản lý thị trường từ cuối năm 2018, ông Trần Duy Tuấn- Phó giám đốc Sở Công Thương chia sẻ- Chúng tôi thiếu cán bộ có chuyên môn về ATTP, hiện tại cả Sở chỉ có một cán bộ có bằng cấp liên quan đến lĩnh vực này, trong khi ở cấp huyện thì cơ quan quản lý và cấp giấy chứng nhận ATTP là Phòng Kinh tế hạ tầng thì họ hầu như cũng không có cán bộ có chuyên môn về ATTP và họ phải đảm nhiệm nhiều lĩnh vực, đó còn chưa kể đến kinh phí cho tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh rất hạn hẹp và thiếu.
Ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai công tác đảm bảo ATTP của tỉnh Ninh Bình, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương – Trưởng đoàn kiểm tra khẳng định mặc dù Sở Công Thương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực con người và tài chính nhưng Sở đã hết sức nỗ lực, kịp thời tham mưu cho tỉnh, triển khai các nhiệm về lĩnh vực ATTP. Từ việc kiện toàn Ban chỉ đạo về ATTP của địa phương cũng như tham mưu cho tỉnh để ban hành các văn bản chỉ đạo về ATTP… Đây là minh chứng cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Sở đối với hoạt động ATTP./.
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị thời gian tới Sở Công Thương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan liên quan như: Y tế, Quản lý thị trường, các địa phương… để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các đơn vị không chấp hành đúng quy định về ATTP, từ đó nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thực hiện công tác đảm bảo ATTP.
Theo Báo Công Thương

lên đầu trang