Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 22:20

Thứ tư, 24/04/2024 | 22:20

Chính sách

Cập nhật lúc 09:00 ngày 19/08/2020

Nghị quyết 115/NQ-CP: “Bệ phóng” cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nhiều chính sách mới. Đây được xem là “bệ phóng” cho các doanh nghiệp (DN) CNHT khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Niềm vui nhân đôi
Chị Lê Thị Thanh Bình – Phó giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp và Dịch vụ Bình Minh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hạt nhựa, tấm nhựa tại tỉnh Ninh Bình - chia sẻ: Nghị quyết 115/NQ-CP thực sự là niềm vui đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Bởi chính sách đến rất kịp thời trong bối cảnh DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị triển khai dự án mở rộng nhà máy vào quý II/2020 và nếu tiếp cận được các chính sách ưu đãi theo Nghị quyết, chắc chắn sẽ tháo gỡ được khó khăn mà DN đang gặp phải.
Kiểm tra tiến độ Dự án Cải tiến năng suất và chất lượng tại Fomeco
Cũng như nhiều DNNVV khác, Công ty Bình Minh gặp phải những khó khăn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó khó khăn lớn nhất là trình độ quản lý, chất lượng nguồn lao động, vốn và công nghệ.
Thông qua Dự án Cải tiến năng suất và chất lượng của Bộ Công Thương, Bình Minh đã được hướng dẫn, triển khai thực hiện các công cụ cải tiến năng suất tại nhà máy sau 3 tháng triển khai (từ tháng 5-8/2020), giúp diện mạo khu vực sản xuất thay đổi, năng suất lao động tăng lên, nhận thức của lãnh đạo DN và người lao động chuyển biến tích cực.
Thiết thực với doanh nghiệp
Khác với Bình Minh, Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên (Fomeco) là một DN thường xuyên áp dụng các giải pháp, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng và là DN có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia. Khi tham gia Dự án Cải tiến năng suất và chất lượng, năng suất tại một số bộ phận sản xuất của Fomeco được cải thiện, chi phí tiết kiệm hơn.
Ông Hà Thế Dũng – Giám đốc Fomeco - khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả mà Dự án mang lại. Việc hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật giúp công ty phát hiện ra các “điểm nghẽn” và lãng phí trong sản xuất, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục, mang lại hiệu quả mong muốn. Đây chính là cách hỗ trợ thiết thực nhất cho các DN sản xuất”.
“Chính sách hỗ trợ cho DN cũng như mục tiêu mà Nghị quyết 115/NQ-CP đề ra đáp ứng kỳ vọng của DN. Tuy nhiên, để DN tiếp cận được sớm các chính sách, rất cần những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương” - ông Hà Thế Dũng chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề trên ông Cao Văn Bình - Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Cục Công nghiệp) - Bộ Công Thương - cho biết: Qua quá trình khảo sát và làm việc tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy nhiều chính sách hỗ trợ được Chính phủ ban hành, nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do thiếu lực lượng chuyên môn để hỗ trợ DN CNHT, thiếu các chính sách đồng bộ với các bộ, ngành trung ương. Một số địa phương đã bố trí nguồn ngân sách để phát triển CNHT thì lại vướng cơ chế tài chính, khiến lúng túng trong triển khai, dẫn đến các DN khó tiếp cận được nguồn hỗ trợ.
Theo đó, Nghị quyết 115/NQ-CP được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhứng “nút thắt” trên khi đưa ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể đến năm 2025 và 2030 cho ngành CNHT. Những giải pháp trên đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.
Nghị quyết 115/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa.
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang