Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:37

Thứ sáu, 19/04/2024 | 21:37

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 07:49 ngày 21/08/2020

Quản lý hiệu quả chợ thực phẩm

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Tiêu biểu phải kể đến việc phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình chuỗi thực phẩm an toàn và quản lý chợ ATTP.
Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, cùng với xu hướng tiêu dùng, mua sắm tại các cơ sở phân phối theo phương thức hiện đại ngày càng phát triển. Mạng lưới kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là hệ thống phân phối thực phẩm có kiểm soát đã phát triển mạnh, cả về số lượng và chất lượng; giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm nông sản sạch, an toàn.

Thực phẩm an toàn được phân phối trên hệ thống siêu thị VinMart
Hiện cả nước có trên 1.084 siêu thị, 204 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên kinh doanh và cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình chuỗi được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn. Cụ thể, hệ thống VinMart+ và VinMart hiện có hơn 2.880 cửa hàng; 1.554 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại các tỉnh miền Trung và miền Nam; hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op (bao gồm Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra) có gần 600 điểm; hệ thống Satrafood với trên 204 điểm bán; 37 siêu thị Big C và Go! trên toàn quốc của Tập đoàn Central; 20 siêu thị bán buôn, bán lẻ của MM Mega Market...
Để góp phần thúc đẩy hệ thống phân phối phát triển và đáp ứng ngày càng tốt các điều kiện về ATTP, Vụ Thị trường trong nước đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến việc tuân thủ các quy định về ATTP, kịp thời có văn bản hướng dẫn, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai; thực hiện tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm ATTP ngành Công Thương; tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn, nhằm kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương.
Một điểm sáng nữa trong triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP của Bộ Công Thương là việc quản lý hiệu quả chợ ATTP. Cụ thể, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về ATTP giai đoạn 2011 - 2015 và Chương trình Mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016 - 2020, Vụ Thị trường trong nước đã hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm ATTP” với 2 nội dung: Nghiên cứu xây dựng đề án mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP và triển khai mô hình trên thực tiễn. Đến năm 2019, từ nguồn ngân sách trung ương, cả nước đã xây dựng được 66 mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP tại 62/63 tỉnh/thành phố.
Trước hiệu quả đạt được của mô hình thí điểm, các tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện việc duy trì, nhân rộng mô hình bằng nguồn ngân sách địa phương. Tính đến năm 2019 cả nước có 15 tỉnh thực hiện việc nhân rộng và xây dựng được 125 mô hình chợ bảo đảm ATTP. Các địa phương đi đầu trong nhân rộng mô hình này có thể kể đến như Thanh Hóa, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long... Trong năm 2020, Vụ Thị trường trong nước tiếp tục hỗ trợ 6 địa phương gồm Bắc Kạn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bến Tre xây dựng mô hình.
Với việc xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm tăng cả về quy mô và chất lượng đã giúp nâng cao nhận thức trong việc bảo đảm ATTP tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đối với đội ngũ cán bộ quản lý, thương nhân kinh doanh cũng như người tiêu dùng.
Triển khai công tác quản lý nhà nước về ATTP, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và phát hành các ấn phẩm hướng dẫn áp dụng TCVN 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm; hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; phát hành cẩm nang ATTP trong kinh doanh và cẩm nang quản lý vệ sinh ATTP tại chợ...
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang