Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 18/04/2024 | 16:45

Thứ năm, 18/04/2024 | 16:45

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 07:50 ngày 26/08/2020

Xuất khẩu nông sản vào EU: Thách thức về an toàn và kiểm dịch

Thị trường liên minh châu Âu (EU) yêu cầu rất khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm dịch... trong khi sản xuất nông sản Việt Nam còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, ý thức áp dụng và tuân thủ các quy trình an toàn chưa cao. Đây là thách thức rất lớn đối với các DN xuất khẩu nông sản khi khai thác cơ hội từ EVFTA.
Theo khuyến nghị của Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad-Agri), nếu nông sản, thực phẩm, rau, quả của Việt Nam vào thị trường EU không đạt các tiêu chuẩn đặt ra về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật, đơn hàng rất dễ bị từ chối.
Các quy định của EU về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật rất chặt chẽ, khắt khe. Chẳng hạn, theo hướng dẫn 79/117/EEC của EC, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0. Nếu EU phát hiện có bất cứ một chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy, nhà cung cấp (xuất khẩu) sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền của EU tiến hành điều tra và xử lý.
Kể từ ngày 31/3/2020, EU đã cấm sử dụng Ethoxyquin (chất chống ô xi hóa) để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định, EU không cho phép nhập khẩu nhằm tránh việc nhiễm và lây lan sâu bệnh hại cho thực vật và sản phẩm thực vật tại EU. Hàng hóa nông sản, thực phẩm bán tại EU phải tuân thủ dán nhãn có đủ thông tin tên, địa chỉ của nhà đóng gói, nhà vận chuyển, tên sản phẩm nếu không nhìn thấy từ phía ngoài của bao bì, tên nước xuất xứ…
Các chuyên gia thuộc Vitad-Agri cho rằng, muốn khai thác cơ hội từ EVFTA xuất khẩu nông sản vào EU, nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần tuân thủ tốt HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm), được quy định trong Luật An toàn thực phẩm của EU. Nếu không có chứng chỉ HACCP, mặt hàng thủy sản không đủ tiêu chuẩn và điều kiện được xuất khẩu vào thị trường EU.
Trong các nhóm rào cản kỹ thuật EU đặt ra, nhóm rào cản về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật là thách thức lớn nhất với nông sản Việt Nam.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang