Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:26

Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:26

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:31 ngày 01/09/2020

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam

Vùng kinh tế trọng điểm phía nam (VKTTĐPN) là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn, cung ứng nông sản, thực phẩm cho khoảng 24 triệu dân. Những năm gần đây, chính quyền các tỉnh, thành phố trong vùng rất quan tâm việc tổ chức sản xuất và quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các mặt hàng nông sản, song vẫn chưa có nhiều mô hình bền vững.
Thu hoạch dưa lưới tại Công ty TNHH Trang trại Việt, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: THIÊN VƯƠNG
Bài 1: Khai thác tiềm năng của vùng sản xuất thực phẩm
TP Hồ Chí Minh là đô thị lớn trong VKTTĐPN cũng như của cả nước. Mặc dù nhu cầu về thực phẩm rất cao nhưng địa phương này chỉ tự đáp ứng được khoảng 15%, số còn lại đến từ các địa phương lân cận. Hiện nay, việc xây dựng chuỗi cung ứng ATTP còn nhiều bất cập khiến TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác đối mặt với bài toán khó về ATTP...
Nhu cầu lớn của TP Hồ Chí Minh 
Đối với các đô thị lớn, vấn đề ATTP là hết sức cấp thiết. Đây cũng là thị trường quan trọng cho hàng hóa nông sản thực phẩm của các địa phương khác trong nước. TP Hồ Chí Minh hiện có gần 10 triệu dân nhưng số người thực tế sinh sống, làm việc xấp xỉ 13 triệu người. Điều này gây áp lực rất lớn lên nhiều lĩnh vực, trong đó có đáp ứng nhu cầu về thực phẩm. Theo thống kê, hiện nay, mỗi năm nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm các loại của người dân thành phố là 825 nghìn tấn gạo, 330 nghìn tấn thịt các loại, 450 nghìn tấn thủy sản, khoảng 1,9 triệu tấn rau quả các loại, 900 triệu quả trứng,... Con số này dự báo sẽ còn lớn hơn khi quy mô dân số của TP Hồ Chí Minh còn tiếp tục tăng trong các năm tới. Với việc phải nhập từ 80 - 85% lượng lương thực, thực phẩm từ các nguồn bên ngoài đã tạo áp lực lớn cho công tác đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là thực phẩm an toàn. Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh nỗ lực xây dựng hệ thống bán lẻ, cung ứng thực phẩm đầu mối, các chợ đầu mối nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nguồn thực phẩm cung ứng vào thành phố hiện nay gồm các kênh phân phối là ba chợ đầu mối, 14 chợ hạng 1, 52 chợ hạng 2, 170 chợ hạng 3. Với hệ thống phân phối hiện đại, thành phố có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, hơn 2.600 cửa hàng tiện lợi. Từ đây, thực phẩm tiếp tục được phân phối xuống các điểm nhỏ hơn phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh hai doanh nghiệp lớn là Saigon Co.op (Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh) và Satra (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn), một số doanh nghiệp khác như Big C thuộc Tập đoàn Central Retail (Thái-lan); Aeon thuộc tập đoàn Aeon (Nhật Bản)... cũng góp phần tăng năng lực cung ứng thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh.
Từ nhu cầu lớn về lương thực, thực phẩm, TP Hồ Chí Minh trở thành thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm chủ yếu của các tỉnh, thành phố trong VKTTĐPN. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc kết nối, đồng bộ và xây dựng chuỗi cung ứng khép kín về thực phẩm vẫn chưa được các địa phương thực hiện có hiệu quả. Thực tế cho thấy, hiện nay sự liên kết trong cung ứng thực phẩm giữa các địa phương đối với TP Hồ Chí Minh vẫn triển khai theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, các liên kết ở cấp độ vùng hết sức rời rạc, chưa hiệu quả. Các chuỗi kết nối không có cơ chế pháp lý cụ thể, thậm chí yếu tố “địa lý hành chính” vẫn là rào cản lớn. Bên cạnh đó mặc dù có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thế nhưng nhu cầu về thực phẩm an toàn của hàng triệu người dân thành phố vẫn chưa được các địa phương trong vùng đáp ứng. Thực tế này đặt ra yêu cầu về xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa bảo đảm ATTP giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong VKTTĐPN trở nên hết sức cấp thiết. 
Những nỗ lực của các địa phương
Bên cạnh các thế mạnh nêu trên, VKTTĐPN cũng là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn, cung ứng nông sản thực phẩm cho cả vùng với khoảng 24 triệu dân. Nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm cho thị trường TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước, những năm gần đây, các địa phương trong VKTTĐPN đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp theo hướng ATTP. 
Tỉnh Tiền Giang là địa phương có nguồn tài nguyên sản xuất dồi dào với hơn 80 nghìn ha vườn cây ăn trái các loại, sản lượng hằng năm khoảng 1,5 triệu tấn; rau màu hơn 50 nghìn ha, trong đó, khoảng 100 ha chuyên canh tác rau màu được chứng nhận VietGAP; diện tích nuôi thủy sản hơn 15 nghìn ha, trong đó 67,5 ha được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đàn lợn khoảng 400 nghìn con, đàn bò 123 nghìn con, gia cầm khoảng 13 triệu con. Hiện Tiền Giang có chín chuỗi sản xuất được cấp giấy chứng nhận sản phẩm ATTP, trong đó, bảy chuỗi cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thủy sản Gò Công Nguyễn Quốc Kiệt cho biết, HTX có 40 thành viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ gà ta. Các thành viên chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ký hợp đồng dài hạn với nhiều đối tác tại TP Hồ Chí Minh. Các sản phẩm khi xuất đi tiêu thụ đều lấy mẫu kiểm nghiệm để kiểm tra chất lượng và vệ sinh ATTP. 
Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) Kiều Anh Dũng cho biết, thời gian qua, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ rau an toàn với một số doanh nghiệp, siêu thị, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh và TP Hồ Chí Minh, tiêu thụ ổn định khoảng 80 đến 90% sản lượng rau của HTX. Để đáp ứng được nhu cầu theo đơn đặt hàng, các thành viên phải sản xuất theo kế hoạch do HTX đưa ra và chất lượng sản phẩm theo chuẩn VietGAP. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cho biết, trong nỗ lực hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, đến nay, toàn tỉnh có 17 HTX và một tổ hợp tác sản xuất lúa đã ký kết tiêu thụ với các doanh nghiệp trên diện tích hơn 4.900 ha, sản lượng 26.036 tấn/năm. Có 18 HTX trồng rau ký với doanh nghiệp, siêu thị ở địa bàn TP Hồ Chí Minh với diện tích 157 ha, sản lượng 5.718 tấn/năm. 
Còn tại tỉnh Đồng Nai, địa phương được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước có sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường khoảng 220.000 tấn/năm, 50% trong đó cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai Lê Văn Lộc cho biết, để giữ vững nguồn thịt lợn sạch cung cấp cho TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tăng cường quản lý đàn chăn nuôi, kiểm soát thị trường nhằm bảo đảm nguồn lợn cung cấp ra thị trường an toàn, sạch bệnh. Hiện, toàn tỉnh có 33 cơ sở giết mổ áp dụng quy trình vệ sinh ATTP; đã thiết lập ba vùng thực hành chăn nuôi an toàn, xây dựng được một HTX và 67 tổ hợp tác với gần 1.000 thành viên tham gia, cung cấp nguồn thịt lợn an toàn. Theo ông Lê Văn Lộc, Đồng Nai còn có nhiều loại nông sản, nhất là các loại trái cây như sầu riêng, chôm chôm, bưởi cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Tương tự, tại tỉnh Bình Dương, tỷ trọng nông nghiệp dù chỉ chiếm 2,6% cơ cấu kinh tế nhưng địa phương này luôn chú trọng đầu tư theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đều hướng đến các thị trường lớn trong nước như TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu. 
Những nỗ lực cơ cấu lại nền nông nghiệp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, sản xuất thực phẩm an toàn là rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, hướng đi đó vẫn đang bộc lộ những hạn chế khi mà các địa phương trong VKTTĐPN vẫn chưa có nhiều hoạt động kết nối trong cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững cho thị trường TP Hồ Chí Minh. 
(Còn nữa)
Theo Báo Nhân dân
lên đầu trang