Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 17/04/2024 | 03:45

Thứ tư, 17/04/2024 | 03:45

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:31 ngày 01/09/2020

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Hướng đi bền vững cho chuỗi cung ứng thực phẩm
Để cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường 24 triệu dân trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam (VKTTĐPN), bên cạnh việc nỗ lực thực hiện cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, bảo đảm an toàn sinh học thì các địa phương trong vùng cần xây dựng nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời tạo mối liên kết bền vững.
Người dân mua rau củ tại siêu thị Co.op mart quận 9, TP Hồ Chí Minh.
Kết nối rời rạc
Để hướng nông dân tham gia vào mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, tại các địa phương, chính quyền và các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền người dân tham gia hợp tác xã (HTX) để thực hiện quy trình sản xuất tập trung, quy mô lớn. Mô hình này thời gian qua đã phát huy được hiệu quả khi quy tụ được diện tích nuôi trồng lớn, sản xuất theo một quy trình thống nhất, góp phần bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, hình thức doanh nghiệp ký kết với nông dân sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo quy trình được hướng dẫn cụ thể, cũng đang được nhiều địa phương áp dụng và mang lại những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, mục tiêu nâng cao diện tích canh tác và quy mô chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; giao lưu, kết nối để tìm đầu ra bền vững;… vẫn chưa được các địa phương triển khai một cách quyết liệt. Nhiều HTX nông nghiệp, nông dân sản xuất cá thể, thậm chí đều lúng túng trong sản xuất sản phẩm sạch và kết nối bền vững với thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX rau an toàn Gò Công, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Tuy đầu ra thời gian gần đây ổn định, giá bán ở mức cao, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác bấp bênh khi đầu ra của sản phẩm đều do HTX tự liên hệ cho nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế, đầu ra cũng khó ổn định lâu dài, giá cả thay đổi liên tục. HTX luôn mong muốn ký kết hợp đồng lâu dài với đối tác tại TP Hồ Chí Minh”. Đại diện Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cho rằng, quá trình thực hiện các phương thức kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản còn nhiều bất cập. Đó là chưa quản lý tốt vùng trồng cho nên chưa nắm được số lượng cần tiêu thụ và chế biến. Tỉnh cũng chưa có đủ thông tin về tiêu thụ nông sản ở các thị trường lớn ngoài tỉnh cho nên việc hỗ trợ kết nối chuỗi liên kết sản xuất - phân phối vẫn gặp nhiều khó khăn. Còn ở Bến Tre, địa phương nằm ngoài VKTTĐPN nhưng cũng lấy TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ trọng điểm. Hiện toàn tỉnh có đến 9.000 ha trồng bưởi da xanh, một trong tám nông sản chủ lực của tỉnh nhưng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ đạt khoảng 300 ha. Đại diện một doanh nghiệp tư nhân chuyên thu mua bưởi cho biết, mỗi ngày, công ty mua hàng chục nghìn tấn bưởi, sau đó về phải phân loại để cung ứng cho từng thị trường khác nhau, trong đó, thị trường TP Hồ Chí Minh chiếm phần lớn.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai Lê Văn Lộc cho biết, dù nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đánh giá là có lợi thế trên thị trường nhưng việc kết nối giữa nhà vườn với các kênh bán hàng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khiến phần lớn các sản phẩm nông nghiệp chỉ được tiêu thụ trực tiếp từ các đơn đặt hàng nhỏ lẻ. Nguyên nhân được xác định là do khi muốn đưa hàng vào siêu thị đòi hỏi các điều khoản khắt khe về hợp đồng, số lượng đơn hàng, tiêu chuẩn kỹ thuật, chi phí đóng gói, vận chuyển cao, đây là những điều không nhiều cơ sở có thể đáp ứng được. Tại TP Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 5.000 trang trại, 68 HTX nông nghiệp và gần 230 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, nhưng đến nay, số lượng nông sản thực phẩm được tham gia vào các chuỗi tiêu thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân được cho là sản phẩm nông sản thực phẩm có tính cạnh tranh thấp.
Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, nguồn hàng nông sản, thực phẩm do thành phố tự cung cấp tương đối hạn chế, chỉ chiếm chưa tới 20%. Còn lại chủ yếu nhập từ các địa phương lân cận. Dù vậy, hoạt động liên kết cung ứng nông sản thực phẩm giữa thành phố và các địa phương vẫn diễn ra ngẫu nhiên, thiếu chặt chẽ. Kênh phân phối nông sản thực phẩm tại thành phố phần lớn phụ thuộc vào hệ thống bán lẻ truyền thống, chiếm khoảng 75% (bao gồm các chợ truyền thống, chợ vỉa hè…), số còn lại là thông qua kênh bán lẻ hiện đại, chiếm 25%. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm ở các kênh bán lẻ truyền thống hiện vẫn còn nhiều bất cập cho nên an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn luôn là một nỗi lo thường trực đối với người tiêu dùng. Theo khảo sát của ngành công thương TP Hồ Chí Minh, phần lớn nông sản không có bao bì, thương hiệu, không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Rau, củ, quả từ các địa phương vận chuyển đến TP Hồ Chí Minh bằng các phương tiện vận tải không chuyên dụng, không bảo đảm an toàn. Riêng thịt lợn, dù hoạt động truy xuất nguồn gốc được thực hiện khá tốt nhưng còn hạn chế là không truy xuất được từ người sản xuất, mà chỉ truy xuất từ thương lái thu gom, giết mổ và phân phối đến chợ đầu mối. Việc truy xuất nguồn gốc càng trở nên khó khăn hơn khi sản phẩm chăn nuôi đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố.
Chưa có chuẩn ATTP
Với việc khoảng hơn 80% lượng thực phẩm phải lấy từ nguồn cung bên ngoài, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, có một thực tế đáng báo động là tại nhiều địa phương, diện tích sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP thường chỉ chiếm khoảng 5 - 10% tổng diện tích. Đó là chưa kể tới việc, hoạt động sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ mới được các địa phương triển khai theo hướng khuyến khích chứ chưa có quy định yêu cầu nông dân, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt. Chính quy định này khiến người nông dân “có quyền” quyết định giữa hai phương thức sản xuất: VietGAP hoặc quy trình thông thường. Khi các tiêu chuẩn chưa được pháp lý hóa bằng các chế tài cũng là nguyên nhân làm cho các tỉnh, thành phố không liên kết được với nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Tham gia vào việc xây dựng đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm ATTP giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố VKTTĐPN” (gọi tắt là đề án xây dựng chuỗi ATTP) nhiều năm qua, GS, TS Trần Tiến Khai, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dù nhiều nông dân rất muốn sản xuất sản phẩm theo quy trình VietGAP nhưng có nhiều nguyên nhân trở thành “lực cản”. Thí dụ như trong trồng rau, chi phí sản xuất một héc-ta rau tiêu chuẩn luôn cao hơn quy trình trồng một héc-ta rau thông thường. Tuy nhiên, khi đưa ra thị trường, người trồng rau không thấy được các “lợi thế” về giá cả, mẫu mã giữa rau VietGAP và rau thông thường. Ngoài ra, hệ thống phân phối hiện đại hiện chưa bao tiêu được 100% số lượng sản phẩm đạt chuẩn, khiến một phần trong số này phải bán ở chợ truyền thống, lẫn với những sản phẩm thông thường khác, dẫn tới giảm giá trị nông sản.
GS, TS Trần Tiến Khai cũng nhấn mạnh thêm một bất cập khác trong công tác kết nối, quản lý chuỗi thực phẩm đang diễn ra trên địa bàn vùng là: Đối với hàng hóa xuất khẩu đang được các địa phương tổ chức sản xuất rất tốt nhưng việc kết nối, áp dụng tiêu chuẩn ATTP cho thị trường trong nước lại có nhiều hạn chế. Nếu không xây dựng được chuẩn chung giữa các địa phương trong sản xuất thì việc kiểm soát được chất lượng về ATTP cũng rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân của thực tế này là do các tỉnh, thành phố chưa liên kết chặt chẽ với nhau khi xây dựng kế hoạch sản xuất cũng như thông tin về thị trường.
Tìm giải pháp liên kết bền vững
Nhiều năm qua, chính quyền các tỉnh, thành phố VKTTĐPN rất quan tâm việc tổ chức sản xuất và quản lý ATTP cho nông sản, nhằm tận dụng tốt nhất cơ hội, lợi thế của từng địa phương. Định hướng này vừa giúp người sản xuất có đầu ra sản phẩm ổn định, đồng thời, đáp ứng được yêu cầu về ATTP của người dân TP Hồ Chí Minh.
Ở góc nhìn của chuyên gia, một thành viên nghiên cứu của đề án xây dựng chuỗi ATTP, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, để các tỉnh, thành phố trong vùng tiếp cận được nguồn thực phẩm an toàn, các địa phương cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, tức là thay vì để nhà cung cấp quyết định “trần” chất lượng thực phẩm thì cần bắt đầu từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng tiếp cận tới các chuẩn mực quốc tế. Do đó, các chính sách cần tập trung vào việc xây dựng chuẩn hàng hóa khi lưu thông phân phối trên thị trường. Chỉ có hàng VietGAP, chuẩn ATTP mới được đưa vào lưu thông. Việc xác lập tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật bắt buộc sẽ giúp các địa phương giải quyết những bất cập lâu nay.
TP Hồ Chí Minh với vai trò hạt nhân liên kết vùng, thị trường lớn nhất của các tỉnh, thành phố trong vùng sẽ đóng vai trò “đạo diễn” để thiết lập chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Khi đó, các nguồn thực phẩm không bảo đảm về chất lượng và ATTP sẽ bị thu hẹp dần cơ hội đi vào thị trường thành phố. Đại diện ngành nông nghiệp các địa phương trong VKTTĐPN cũng cho rằng, nếu TP Hồ Chí Minh phối hợp các địa phương xây dựng được quy trình kiểm soát chặt chẽ sẽ góp phần giúp các địa phương định hướng xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm thuận tiện hơn. Các chuyên gia cũng kiến nghị các địa phương phối hợp thành lập sàn giao dịch hàng hóa nhằm kiểm soát tận gốc thực phẩm khi vào thị trường TP Hồ Chí Minh; cần quy định tất cả hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại thị trường này sẽ phải mua bán qua sàn giao dịch. Trước mắt, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng đang xây dựng sàn giao dịch thịt lợn để làm tiền đề nhân rộng ra các nhóm hàng, ngành hàng khác. Để những mục tiêu về xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm an toàn trong vùng được thành công, các địa phương cũng kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu mô hình quản lý ATTP quốc gia; pháp lý hóa cơ chế kiểm soát ATTP ở cấp độ vùng và xây dựng thể chế quản lý ATTP nhà nước cấp vùng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương và TP Hồ Chí Minh...
Theo Báo Nhân dân
lên đầu trang