Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 08:10

Thứ năm, 25/04/2024 | 08:10

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 16:37 ngày 07/09/2020

Quản lý an toàn thực phẩm: Tranh thủ kinh nghiệm quốc tế

Với bất kỳ quốc gia nào, dù các phương thức quản lý có thể khác nhau nhưng vấn đề ATTP luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân cũng như nền kinh tế - xã hội.
Đơn cử ở châu Âu (EU) có khoảng 150 văn bản quy định liên quan đến các rào cản kỹ thuật (TBT) và vấn đề ATTP, an toàn dịch bệnh (SPS). Vì thế, để xuất khẩu hàng hóa vào EU, Việt Nam phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe như: Có cơ quan Nhà nước (tương đương) kiểm soát và văn bản pháp quy trong an toàn vệ sinh thực phẩm và thú y. Phải thực hiện chương trình kiểm soát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Phải thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi. Từng lô hàng được chứng nhận không có mối nguy vật lý, hóa học, vi sinh. Không sử dụng những lưới làm hại cá heo. Nhãn sản phẩm phải ghi rõ tên loài, nơi xuất xứ (nuôi, khai thác ở đâu); không buôn bán, sử dụng hóa chất độc trong chế biến thủy sản.
Để xuất khẩu vào EU, thực phẩm phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam để được đưa vào danh sách xuất khẩu thủy sản sang EU phải có trang thiết bị chế biến và phục vụ dễ làm vệ sinh, khử trùng, không gây nhiễm các mối nguy vào sản phẩm và thực hiện kiểm tra chất lượng theo GMP, SSOP, HACCP. Bên cạnh đó, phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị và cơ quan nhà nước có thẩm quyền của EU chấp nhận.
Hay ở Hoa Kỳ, kiểm soát rất chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu với những chế tài mạnh mẽ, ngăn chặn ngay từ cửa khẩu (thậm chí tận nơi sản xuất) đối với hàng hóa thực phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn đưa ra. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về nhập khẩu thực phẩm, với những quy định chặt chẽ. Ngoài quy định của FDA, tại nước này còn có quy định riêng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Nghề cá Mỹ (NMFS) đối với một số mặt hàng nông, thủy sản.
Còn tại Thái Lan, Chính phủ thực hiện chiến lược “Từ đồng ruộng tới bàn ăn”, thực hiện theo dõi các quy trình từ nhập khẩu, sản xuất ngoài đồng ruộng; thiết bị sản xuất, đầu ra, cuối cùng là thị trường với nhiều quy định khắt khe. Thái Lan cũng đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn ATTP; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các chiến dịch về ATTP; xây dựng hệ thống cơ quan kiểm soát ATTP và sau cùng là xây dựng các chế tài đối với những vi phạm liên quan ATTP.
Singapore đã có Luật Kinh doanh thực phẩm từ năm 1985, quy định rõ thực phẩm tiêu thụ trên thị trường phải là hàng thật; nghiêm cấm mọi hình thức hàng giả, hàng nhái, hàng không có nhãn mác rõ ràng. Cơ quan Quản lý vệ sinh ATTP và Thú y Singapore (AVA) là đơn vị đảm trách về ATTP của Singapore. Đơn vị này đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về ATTP đối với hàng nhập khẩu và phải có chứng chỉ chất lượng do AVA cấp. AVA cũng xử phạt nặng với thực phẩm nội địa không đáp ứng ATTP, nhưng cũng có chính sách hỗ trợ, khen thưởng các nhà sản xuất ứng dụng công nghệ vào sản xuất thực phẩm sạch…
Theo các chuyên gia, mỗi quốc gia có cách quản lý riêng nhưng nhìn chung đều theo những quy trình cơ bản giống nhau như: Hệ thống pháp luật ATTP được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu khoa học chuyên sâu; các nước đều xây dựng các tiêu chuẩn an toàn rất cao và áp dụng thống nhất cả với thực phẩm trong nước và nhập khẩu; các quy định đều hướng tới tính minh bạch và có thể truy xuất nguồn gốc của thực phẩm; có quy định các biện pháp thực thi đa dạng, có sự phối hợp liên ngành, đa cấp giữa nhiều cơ quan, đơn vị; có chế tài xử lý mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm.
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang