Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:09

Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:09

Chính sách

Cập nhật lúc 11:50 ngày 18/09/2020

Phòng, chống rác thải nhựa: Cần hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Cơ chế, chính sách được nhận định là một trong các nhóm giải pháp lớn cần tích cực triển khai trong phòng, chống rác thải nhựa, đặc biệt, cần có chính sách trợ giúp cho những doanh nghiệp thay đổi công nghệ để giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối sản phẩm.
Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa
Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Đơn cử, trên địa bàn TP.Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 8 - 10%. Các sản phẩm nhựa và túi nilon đã trở nên phổ biến trong cuộc sống người dân, nhưng lại để lại những hậu quả không nhỏ đến môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Phòng, chống rác thải nhựa: Nhìn từ câu chuyện chính sách, do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức ngày 16/9, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP.Hà Nội đã ban hành các kế hoạch và những chương trình hành động cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn. Trong đó, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về “Phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.

Tại tòa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý đã đưa ra những tham vấn về mặt chính sách trong phòng chống rác thải nhựa
Triển khai kế hoạch trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi các siêu thị, cửa hàng cam kết không sử dụng bao bì túi nilon, chuyển dần sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công ty CP Tetra Pak Việt Nam, Công ty CP Lagom Việt Nam cùng một số đơn vị tái chế tại Việt Nam đã triển khai chương trình thu gom, phân loại, tái chế vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn TP.Hà Nội từ năm 2019.
Đến nay, đã có 19/30 quận, huyện, thị xã đăng ký tham gia chương trình và duy trì thu gom vỏ hộp sữa tại 803 trường học. Đặc biệt, chương trình đã huy động được sự tham gia và tác động đến 30.000 giáo viên, hơn 500.000 học sinh mầm non, tiểu học. Tổng khối lượng vỏ hộp sữa thu gom được tại các trường học tham gia chương trình đến tháng 7/2020 là 244.061 kg, tương đương khoảng 25 triệu vỏ hộp. Từ đó, chương trình đã tái chế và góp phần giảm thiểu được trên 244 tấn rác thải vào bãi chôn lấp tập trung của TP. Hà Nội. Lượng khí thải CO2 từ việc thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giảm hơn 2.711 tấn từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020…
Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng, trong cuộc chiến nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đầu tiên, do thói quen của người dân khó thay đổi trong một thời gian ngắn; một số địa phương vào cuộc chưa thực sự quyết liệt.
“Nhà nước cần có chính sách tăng thuế với các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa, đồng thời cần có chính sách khuyến khích các đơn vị giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa. Đồng thời, cần có những đánh giá tác động về phía doanh nghiệp, xem họ bị ảnh hưởng như thế nào khi chuyển sang sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường” - PGS.TS Bùi Thị An đề xuất.
Đồng quan điểm, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho hay, đối với các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực liên quan tới nhựa, sản phẩm dùng 1 lần thì việc luật hoá là rất cần thiết. Để nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp nhận biết được mặt trái của các sản phẩm nhựa khó phân hủy các nhà làm luật cần có chế tài cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chính sách cần đồng bộ, có đánh giá về ảnh hưởng đối với doanh nghiệp sản xuất có sử dụng sản phẩm nhựa khó phân huỷ.
Theo bà Trịnh Thị Ngân, việc thay đổi quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm không hề đơn giản. Ví dụ như lĩnh vực sản xuất may và da giày có tới 90% chất thải là nilon. Vì vậy, với những doanh nghiệp thay đổi công nghệ cần có sự trợ giúp của nhà nước thông qua chính sách như ưu đãi thuế hoặc nhà nước có thể đứng ra mua công nghệ về lĩnh vực này từ nước ngoài để áp dụng cho doanh nghiệp trong nước…
“Cần cho phép doanh nghiệp đổi mới bao bì khi vay ngân hàng không lãi suất, hay siêu thị dùng túi thân thiện môi trường được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những hành động phù hợp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển” - bà Trịnh Thị Ngân nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Cao Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) chia sẻ thêm, các chính sách hỗ trợ về thuế xuất, mặt bằng, trợ giá đối với các hoạt động xử lý rác tái chế mà thị trường không thể điều tiết được… sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động phân loại - thu gom - tái chế - tái sử dụng rác hiệu quả.
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ và ưu đãi đối với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải nhựa và túi nilon; xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các bao bì thân thiện với môi trường...
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang