Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 04:22

Thứ tư, 24/04/2024 | 04:22

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:22 ngày 21/09/2020

Thận trọng với đồ chay nhập nhèm nhãn mác

Hiện nhiều người tiêu dùng có xu hướng sử dụng thực phẩm chay thay thế cho thực phẩm tươi sống; thị trường sản phẩm này cũng sôi động hơn từ các khu chợ truyền thống đến “chợ mạng” với đa dạng chủng loại và nguồn gốc, xuất xứ.
Những năm gần đây, theo xu hướng chung, tỷ lệ người ăn chay gia tăng khá nhanh. Theo đó, thị trường thực phẩm chay cũng được dịp “nở rộ” vô cùng phong phú với các loại từ nem, giò, chả, tới thịt, cá, tôm chay, mực chay... với giá bán dao động từ vài chục nghìn đến mấy trăm nghìn/kg tùy loại.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ăn chay nhằm thanh lọc cơ thể, phòng tránh bệnh tật, giảm cân còn có các loại gia vị nấu cơm chay và cỗ chay như xì dầu, nước mắm chay, các loại sốt chay...
Chỉ cần vài thao tác tìm kiếm “thực phẩm chay”, người mua hàng sẽ tìm thấy hàng nghìn nơi bán các sản phẩm này trên các website riêng như chaysach.com, thucphamchayngonsach.com, hay các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Sendo, Shopee,…; chưa kể các hình thức kinh doanh khác trên các nhóm mạng xã hội…
Trong khi các website cá nhân chủ yếu bán thực phẩm chay là hàng Việt, hoặc tự sản xuất, tự chế biến, thì tại các sàn TMĐT thực phẩm chay rất đa dạng về nguồn gốc, xuất xứ. Đáng chú ý, rất nhiều thực phẩm chay nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt, còn thực phẩm chay thuần Việt trên bao bì có thông số kỹ thuật về sản phẩm. Thường hay lựa chọn thực phẩm chay để chế biến món ăn cho gia đình, chị Hoàng Hà Linh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, thị trường thực phẩm chay hiện rất phong phú về chủng loại, gần như thực phẩm tươi sống có món gì thì thực phẩm chay có món đó. Bản thân vẫn chọn nơi mua bán uy tín, quen khẩu vị và các địa chỉ được người thân quen giới thiệu.
Món ăn chay được bán trên mạng xã hội
“Tôi nghĩ là thực phẩm chay được nhập khẩu từ nước ngoài sẽ tốt hơn. Vì theo người bán hàng quảng cáo, những thực phẩm này được làm từ rau, củ trồng hữu cơ, không nhiễm hóa chất độc hại” - chị Linh chia sẻ.
Mặc dù thị trường thực phẩm chay khá sôi động, nhưng việc quản lý mặt hàng này lại chưa sát sao. Mới đây nhất, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1 tấn thực phẩm chay gồm: Sủi cảo, xúc xích chay… trên đường vận chuyển từ Trung Quốc vào Quảng Ninh để tiêu thụ. Điều đáng nói là các loại thực phẩm này đang trong quá trình phân hủy. Sự việc hàng chục người bị ngộ độc pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới có vi khuẩn Clostridium Botulinum cho thấy, cần phải siết chặt hơn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay.
Theo các chuyên gia, đồ chay công nghiệp không nhãn mác được bày bán rất nhiều và thường chỉ được bọc một lớp nilon hút chân không. Các loại đồ chay ngoại nhập thường không có nhãn mác Việt đính kèm, được người bán giới thiệu là nhập từ nước ngoài khiến người tiêu dùng khó xác định được hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng… Việc sử dụng các loại thực phẩm chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ này sẽ mang đến những nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Rõ ràng, việc quản lý chất lượng thực phẩm chay trên thị trường đang có những “lỗ hổng”, rất cần sự vào cuộc có trách nhiệm của ngành chức năng. Do đó, việc cảnh báo thực phẩm thiếu an toàn với người tiêu dùng là cần thiết. Song quan trọng hơn, công tác kiểm tra, kiểm soát cần được tiến hành thường xuyên hơn.
Việc bán hàng qua mạng ngày càng thịnh hành nhưng cơ quan chức năng khó kiểm soát về chất lượng, do đó cần phổ biến, tuyên truyền thêm kiến thức, thông tin về thực phẩm an toàn để người tiêu dùng cẩn trọng trong lựa chọn thực phẩm chay và bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Theo: Báo Công Thương
lên đầu trang