Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 07:31

Thứ tư, 24/04/2024 | 07:31

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:21 ngày 23/09/2020

Bước ngoặt của thương mại điện tử

Dịch Covid-19 tác động tạo thói quen mới trong mua sắm, đây chính là bước ngoặt để thương mại điện tử (TMĐT) đẩy nhanh quá trình tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay. 
Hình thành thói quen mua sắm trực tuyến
Theo số liệu được iPrice Group (trang tổng hợp mua sắm trực tuyến thuộc Tập đoàn iPrice) và SimilarWeb (công ty thông tin thị trường kỹ thuật số) công bố mới đây, sau 6 tháng đầu năm 2020, lượng truy cập vào các website bách hóa tăng hơn 41%; lượng truy cập vào các website ngành hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe tăng 21%. Nhu cầu cho hai ngành hàng bách hóa và chăm sóc sức khỏe trên kênh trực tuyến không phải là nhất thời. “Cú huých” từ Covid-19 đã tạo ra các thói quen mua sắm trực tuyến, mang đến động lực tăng trưởng lâu dài cho các ngành hàng trước đây vốn không phải là trọng tâm. Ngược lại, ngành hàng thiết bị di động cũng giảm đến 13%; ngành hàng thời trang giảm sâu hơn khi tổng lượng truy cập website giảm sâu 29% so với quý I/2020. Lý do những mặt hàng này giảm là nhu cầu tiết kiệm của người dân đã khiến các ngành hàng không thiết yếu chịu thiệt hại nặng nề.

Các trang TMĐT có giao diện trên điện thoại rất dễ sử dụng
Rõ ràng, bách hóa và thực phẩm tươi sống đang là hướng cạnh tranh dài hạn của các sàn TMĐT khi mà thị trường này chứng kiến sự gia nhập của nhiều tân binh giao vận. Giữa tháng 4, Lazada triển khai cung cấp thực phẩm tươi sống, giao hàng nhanh trong 2 giờ; đến tháng 5, Tiki cũng giới thiệu dịch vụ bán hàng tươi sống giao nhanh trong 3 giờ mang tên TikiNGON. Đại diện Lazada Việt Nam cho biết, trong giai đoạn hiện nay, với vai trò là một nền tảng TMĐT, thông qua việc tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và tận dụng tối đa nguồn lực logistics, công ty có thể mang những thực phẩm tươi, sạch như trái cây, rau, củ, thịt, cá… đến tận nhà cho khách hàng nhanh chóng trong 2 giờ để đảm bảo mọi người có thể yên tâm ở nhà.
Dự kiến trong thời gian tới, tại Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm khác tiếp tục tham gia cùng Lazada và Tiki với nhiều chương trình đang triển khai rộng khắp. Điều này khiến cuộc đua bách hóa trực tuyến trên nền tảng TMĐT đang nóng hơn bao giờ hết.
“Cuộc chiến” TMĐT trên nền tảng di động
Chị Nguyễn Thanh Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hiện nay các trang TMĐT có giao diện trên điện thoại rất dễ sử dụng, dễ dàng đặt mua các mặt hàng thiết yếu. Hơn nữa, các trang TMĐT có tiếng như Tiki hay Shopee… lại hay có các chương trình khuyến mại, giảm giá sâu, giao hàng nhanh nên từ sau đợt giãn cách xã hội vừa rồi, tôi thường lựa chọn đặt hàng vừa đảm bảo nguồn hàng cung cấp, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí cho gia đình.
Đáng chú ý, trong đợt cao điểm dịch Covid-19 vừa rồi, hầu hết các sàn TMĐT đã giảm các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo thường thấy nhưng đổi lại, các sàn TMĐT đều đẩy mạnh livestream và game trên ứng dụng di động. Mục tiêu là để tăng tương tác và tăng lượng người sử dụng ứng dụng, tranh thủ quãng thời gian giãn cách xã hội, kích cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Thống kê cho thấy, tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã đạt 12,7 tỷ; cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với thời điểm trước đó. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam xếp thứ 3 sau Philippines và Thái Lan về tốc độ tăng trưởng; đồng thời cũng vào Top 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia và Thái Lan) về tổng lượng truy cập các ứng dụng mua sắm trực tuyến, chiếm 19,5% thị phần toàn khu vực.
Theo các chuyên gia, “cuộc chiến” TMĐT lan tỏa lên ứng dụng di động đã được dự báo từ lâu. Thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020 chính là thời gian các sàn TMĐT có nhiều thử nghiệm ráo riết nhằm phát triển mua sắm trên di động. Tiêu biểu như Tiki có TikiLive, Shopee có Shopee Feed, Sendo có SenLive,… Tuy nhiên, chính đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 đã thúc đẩy nhanh quá trình TMĐT ở Việt Nam.
Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua điện thoại di động đạt tới con số hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị 4,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng khoảng 178% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nắm giữ cuộc chơi này lại chủ yếu là các doanh nghiệp ngoại. Theo đó, Top 10 ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất Việt Nam trong quý II/2020 vẫn lần lượt thuộc về Shopee, Lazada, Tiki và Sendo... Đáng chú ý, có Thegioididong là đơn vị nội duy nhất ngoài Tiki và Sendo góp mặt trong Top 10 bảng xếp hạng này.
Nghiên cứu mới đây của Nielsen cho thấy, 57% người dân Việt Nam sẵn sàng sử dụng công nghệ thực tế ảo để tiếp cận với sản phẩm mới. Ngoài ra, có tới 43% người Việt nói sẽ sử dụng các ứng dụng để điều hướng trong cửa hàng cho các sản phẩm và chương trình khuyến mãi. Điều này cho thấy tiềm năng tại thị trường Việt Nam là vô cùng lớn.
Theo Báo Kinh tế Việt Nam
lên đầu trang