Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:31

Thứ sáu, 29/03/2024 | 05:31

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:23 ngày 06/10/2020

Tái cơ cấu ngành Công Thương: Ngày càng đi vào thực chất

Sau gần 5 năm triển khai, quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương ngày càng đi vào thực chất và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng cho quá trình tái cơ cấu chung của nền kinh tế, tạo chuyển biến về năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của ngành.
Tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo
Theo Bộ Công Thương, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào thực chất với xu hướng chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP tăng liên tục, từ 27,1% năm 2016 lên 28,5% năm 2019 và ước tăng 28,2% năm 2020. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) đã trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Quy mô của ngành công nghiệp CBCT trong GDP tăng từ 14,27% năm 2016 lên 16,48% vào năm 2019 và ước tăng 16,9% trong năm 2020.
Trong nhóm ngành công nghiệp CBCT, Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các ngành công nghiệp thâm dụng vào tài nguyên như khoáng sản vào đầu những năm 1990 sang các mặt hàng công nghiệp thâm dụng lao động (dệt may, da giày...) những năm 2000, các ngành thâm dụng vốn vào những năm 2010 (thép, hóa chất) và thâm dụng công nghệ trong thời gian gần đây như điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, máy móc công nghệ…
Cùng với đó, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã dần được hình thành, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp. Số doanh nghiệp (DN) CNHT đã tăng rất nhanh trong hơn 2 năm qua với khoảng trên 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày, tạo ra hơn 550.000 việc làm.
Đối với ngành năng lượng, cũng đã từng bước tái cơ cấu theo hướng thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của nhà nước với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển ngành. Đến nay, thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành từ ngày 1/7/2012, thị trường bán buôn cạnh tranh đã vận hành chính thức từ ngày 1/1/2019 và dự kiến sẽ vận hành thí điểm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào năm 2021.
Cơ cấu nguồn điện đã có sự chuyển dịch dần về hướng sử dụng năng lượng xanh và sạch hơn. Ngành năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Quy hoạch không gian lãnh thổ các ngành công nghiệp, cụm ngành công nghiệp tập trung đã từng bước được thiết lập, qua đó hình thành chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp, tạo điều kiện cho các DN công nghiệp tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị phân phối trong nước và toàn cầu, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp CBCT theo hướng bền vững. Ví dụ, cụm dệt may ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, Khu phức hợp cơ khí ôtô Chu Lai - Trường Hải tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội)...
Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng kinh tế
Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu (XK) tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng XK thô, tăng XK sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Tỷ trọng XK của nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 3% năm 2015 và chỉ còn 1,7% năm 2019 ước 1,2% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, tỷ trọng XK sản phẩm CBCT tăng từ 78,9% năm 2015 lên 84,2% vào năm 2019, ước đạt 85% vào năm 2020; tỷ trọng XK của các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tăng từ 41,4% năm 2015 lên 49,5% vào năm 2019...
Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu (NK) chuyển dịch theo hướng NK nhóm hàng khuyến khích NK cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho XK, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và giảm dần NK các mặt hàng hạn chế NK (giảm từ 7,16% năm 2016 xuống ước 6,8% năm 2020). Đồng thời, cơ cấu mặt hàng XK có sự đa đạng hóa, số mặt hàng có kim ngạch XK đạt trên 1 tỷ USD tăng dần, từ 23 mặt hàng năm 2015 lên 32 mặt hàng năm 2019.
Đáng chú ý, cơ cấu thị trường XK chuyển dịch mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường XK và khai thác có hiệu quả các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như phát triển thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu về thành phần XK đã có dấu hiệu tích cực khi XK của khối DN trong nước đã có mức tăng trưởng cao, vượt khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Nếu như những năm trước đây, XK của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Tốc độ tăng trưởng trung bình về XK của khối DN 100% vốn trong nước giai đoạn 2016-2020 ước đạt 10,5%, so với khu vực FDI là 8,9%; tỷ trọng XK của DN 100% vốn trong nước tăng từ 28,5% năm 2016 lên khoảng 34,5% năm 2020.
Ngoài ra, đối với thương mại trong nước, hạ tầng thương mại có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại). Thương mại điện tử đã trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây với sự hỗ trợ của các phương thức thanh toán điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 27%/năm và doanh số B2C (doanh nghiệp với khách hàng) chiếm xấp xỉ 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Đến nay, hàng hóa XK của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: EU, Nhật Bản, Mỹ…
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang