Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 03:54

Thứ tư, 24/04/2024 | 03:54

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:20 ngày 17/10/2020

Tọa đàm “Chính sách pháp luật về chuyển giao công nghệ và quản lý, chuyển giao kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước”

Ngày ngày 13/10/2020, tại Hà Nội, Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN đã tổ chức buổi tọa đàm “Chính sách pháp luật về chuyển giao công nghệ và quản lý, chuyển giao kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Tọa đàm nhằm thực hiện thỏa thuận ngày 28/2/2020 giữa Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và Trưởng hợp phần hợp tác thương mại hóa nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình Aus4Innovation tại Việt Nam.  Mục tiêu chung của thỏa thuận nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Theo đó, cả 2 bên sẽ cùng tăng cường vai trò tiên phong của Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học để hỗ trợ thí điểm việc cấu trúc, định vị vai trò và nâng cao hiệu quả của Văn phòng chuyển giao công nghệ tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Cần Thơ.
Thỏa thuận cũng nhằm nâng cao khả năng thương mại hóa cho các cán bộ chuyển giao công nghệ từ Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN và các cơ quan nhà nước liên quan và việc áp dụng các kỹ năng, kiến thức mới để hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam. Kết nối, học hỏi và đóng góp cho mạng lưới đổi mới sáng tạo trong nước và toàn cầu, tăng cường vai trò tiên phong của Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN trong việc đề xuất và thực hiện chính sách đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp và thực phẩm tại Việt Nam.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN, thực hiện Quyết định số 2075 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020. Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN, đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình, đã chủ động bám sát các nhiệm vụ trọng tâm. Chương trình đã tạo được môi trường pháp lý về thị trường KH&CN dần được hoàn thiện và thích ứng hơn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hoạt động dịch vụ trung gian của thị trường KH&CN được thúc đẩy và có xu hướng gia tăng; hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ được đẩy mạnh, nhận thức của xã hội về thương mại hóa kết quả nghiên cứu được nâng cao.
Tuy nhiên, Chương trình còn một số hạn chế: Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình chưa bao quát được đầy đủ nội dung và hoạt động của thị trường KH&CN; Mạng lưới tổ chức trung gian thị trường KH&CN đang trong giai đoạn hình thành, còn chưa đồng bộ, năng lực chưa cao; Các cơ chế, chính sách hiện hành chưa thực sự đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo; Quy mô, phạm vi triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình 2075 còn hạn hẹp, chưa tương xứng với sứ mệnh đặt ra. Do vậy, trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bối cảnh cuộc cách mạng 4.0; Phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN; Thúc đẩy phát triển nhu cầu hàng hóa KH&CN, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN trên thị trường KH&CN; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thị trường KH&CN; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường KH&CN.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe tham luận về chính sách pháp luật chung về chuyển giao công nghệ; giới thiệu về nền tảng Ipplatform kết nối, thương mại hóa sáng chế…
Theo: NASATI
lên đầu trang