Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:32

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 12:49 ngày 20/10/2020

Khoa học - công nghệ ngành Công Thương: Thu hoạch “trái ngọt”

Khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là động lực then chốt để phát triển bền vững ngành Công Thương, đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Với sự quan tâm đầu tư, hoạt động KH&CN ngành Công Thương đã thu được những “trái ngọt”.
Trong giai đoạn 2011- 2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai đồng bộ 9 chương trình/đề án KH&CN cấp quốc gia, 2 chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ; đẩy mạnh thực hiện Đề án ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương. Việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đạt được giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Nhiều công trình giúp tạo lập vị thế trong khu vực và quốc tế
Đơn cử, trong lĩnh vực dầu khí, cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”, được đánh giá là công trình đặc biệt xuất sắc, khi áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam Việt Nam, với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới; công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”, đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ thiết kế chi tiết và chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, thông qua Dự án KH&CN cấp nhà nước “Nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng ứng dụng cho mỏ than hầm lò Núi Béo”, lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp cận, làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới, giúp tăng tính chủ động, giảm chi phí tư vấn, thiết kế khoảng 30% so với chi phí thuê nước ngoài; góp phần nội địa hóa 2/3 giá trị, giảm 17 - 20% chi phí nhập khẩu thiết bị.
Đối với lĩnh vực năng lượng điện, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã làm chủ hoàn toàn công nghệ và chế tạo thành công máy biến áp truyền tải 110 - 500 kV cạnh tranh với các hãng nước ngoài; đồng thời tạo áp lực giảm giá bán sản phẩm từ 15 - 20% so với trước đó, giúp ngành điện chủ động trong việc cung cấp máy biến áp và các sản phẩm thiết bị điện, khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện, đã áp dụng thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.
Theo đánh giá của Vụ KH&CN, Bộ Công Thương, kết quả và những thành công trong việc đưa KH&CN vào phục vụ yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, của ngành giai đoạn vừa qua có được từ những nỗ lực và liên tục đổi mới trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN; việc bám sát nhu cầu thực tiễn, nhanh chóng nắm bắt xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại của khu vực, thế giới từ đó định hướng hoạt động nghiên KH&CN theo lộ trình dài hạn… đã giúp hoạt động KH&CN của ngành mang lại hiệu quả thực sự.
Công tác KH&CN ngành Công Thương được thực hiện đồng bộ, từ việc hoàn thiện thể chế, cụ thể hóa định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN tới việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang