Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:52

Thứ bảy, 20/04/2024 | 03:52

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 12:49 ngày 20/10/2020

Cải tiến hoạt động khảo thí để tăng cường hiệu quả đào tạo tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Vai trò của hoạt động khảo thí trong đào tạo bậc đại học
Hoạt động khảo thí có vai trò, ảnh hưởng quan trọng đến sinh viên, giảng viên, chương trình đào tạo cũng như uy tín, thương hiệu của cơ sở đào tạo. Đối với sinh viên, nội dung, phương pháp, cách thức và kết quả kiểm tra đánh giá (KTĐG) ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi, thái độ, động cơ học tập và cơ hội phát triển của từng cá nhân sinh viên. Đa số sinh viên có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các nội dung sẽ được KTĐG trong quá trình học tập. Do kết quả KTĐG thường được sử dụng làm cơ sở để đưa ra các quyết định ảnh hưởng rất lớn đến sinh viên như được xác nhận hoàn thành học phần, hoàn thành khóa học, được trao học bổng hoặc được lựa chọn vào các vị trí công việc tốt… hoạt động KTĐG kết quả học tập còn góp phần quan trọng trong việc tạo động lực học tập cho sinh viên. Kết quả KTĐG có thể giúp sinh viên nhận ra tiến bộ của bản thân để giúp duy trì động cơ học tập tích cực. Khi mục tiêu đánh giá thống nhất với mục tiêu dạy và học, hoạt động KTĐG giúp định hướng học tập cho sinh viên, giúp các em hiểu rõ hơn về mục tiêu học tập để tự kiểm soát việc học của cá nhân, có được thái độ và chiến lược học tập phù hợp, hiệu quả.
Nội dung, phương pháp và cách sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá cũng ảnh hưởng đến nội dung, phương pháp giảng dạy của giảng viên. Với mong muốn giúp sinh viên đạt được kết quả cao, các giảng viên thường dành nhiều thời gian cho các nội dung sẽ xuất hiện trong bài đánh giá hơn. Kết quả các bài đánh giá thường xuyên, định kỳ có thể giúp các giảng viên nhìn nhận về hiệu quả giảng dạy của mình để có những điều chỉnh trong phương pháp, nội dung giảng dạy để đạt hiệu quả cao hơn.
Đối với Chương trình đào tạo, thông tin về kết quả học tập của sinh viên giúp nhà quản lý giáo dục đánh giá được độ hiệu quả của chương trình đào tạo, của hoạt động đào tạo để tiến hành các điều chỉnh cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả đào tạo. Tổng hòa các hoạt động này có ảnh hưởng quan trọng đến thương hiệu, uy tín của các cơ sở đào tạo. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ra nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam, mô hình đào tạo đại học chuyển đổi từ giáo dục tinh hoa theo mô hình của Liên Xô cũ sang mô hình giáo dục mở rộng để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ năm 2005 đến 2015, các cơ sở đào tạo đại học gia tăng rất mạnh về số lượng và thể loại. Hiện nay không chỉ có các trường công lập, tư thục mà còn các trường liên kết quốc tế, trường thuộc quản lý của doanh nghiệp… Do đó, tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo ngày càng cao. Các trường được giao nhiều quyền tự chủ hơn cùng với đó là trách nhiệm quản lý, giải trình, báo cáo kết quả đào tạo với phụ huynh, với nhân dân, với người sử dụng lao động và với các cấp quản lý giáo dục. Để chứng minh hiệu quả và duy trì hoạt động đào tạo, các cơ sở đào tạo đại học được yêu cầu công khai, minh bạch quy trình xây dựng, triển khai hoạt động giảng dạy, hoạt động đánh giá và kết quả học tập của sinh viên như thể hiện trong thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, việc tiến hành các hoạt động khảo thí hiệu quả, phù hợp, đảm bảo tính giá trị, độ tin cậy và phản ánh chính xác năng lực, trình độ thực của sinh viên sẽ góp phần xây dựng và bảo vệ uy tín, thương hiệu của cơ sở đào tạo. Xin được nhấn mạnh rằng đây là mối quan hệ biện chứng vì uy tín và thương hiệu của cơ sở đào tạo sẽ ảnh hưởng trở lại tới đầu ra của sinh viên, tới kết quả tuyển sinh, đến giáo viên cũng như đến chương trình đào tạo.
Các hoạt động trong công tác khảo thí thường xuyên được tổ chức để tăng cường hiệu quả đào tạo tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Lý do và mục tiêu cải tiến hoạt động Khảo thí tại trường ĐHCNHN
Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thực hiện đúng cam kết về chuẩn đầu ra là mục tiêu hàng đầu của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Để thực hiện mục tiêu này Nhà trường đã liên tục đầu tư rất lớn vào việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Lĩnh vực khảo thí cũng là một lĩnh vực được Nhà trường đặc biệt quan tâm.
Ở thời điểm hiện tại hoạt động khảo thí của Nhà trường đang được thực hiện tốt hơn đa số các cơ sở giáo dục bậc đại học khác trên cả nước xét về khía cạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đảm bảo tính minh bạch, độc lập giữa quá trình giảng dạy và đánh giá kết quả học tập cũng như công việc lưu trữ hồ sơ liên quan. Các hoạt động đánh giá kết thúc học phần bằng hình thức thi tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp hoặc kết hợp các hình thức trên (được tổ chức bởi Trung tâm Quản lý chất lượng trước đây và trung tâm Khảo thí hiện nay) đã được hệ thống hóa, ứng dụng công nghệ thông tin nên các khâu công việc được tách biệt đảm bảo tính kế hoạch, tính bảo mật và tính hiệu quả trong công tác tổ chức coi, chấm thi tập trung.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh nêu trên, hoạt động khảo thí còn tồn tại một số hạn chế cơ bản sau: (1) nhiều giáo viên còn thiếu kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khảo thí nên còn lúng túng trong việc thực hiện các khâu trong quá trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên và sử dụng kết quả đánh giá; (2) Chưa có hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn và hướng dẫn đánh giá chuẩn đầu ra theo các cấp độ; (3) Hoạt động biên soạn đề thi, đề kiểm tra còn chưa đảm bảo đánh giá được mức độ đạt được của các chuẩn đầu ra như yêu cầu và chưa đảm bảo cân bằng về độ khó, tính giá trị, độ tin cậy của các đề song song; quy trình và công cụ để kiểm soát việc tổ chức và giám sát quá trình đánh giá các học phần có hình thức thi BTL/ĐA/TL chưa hiệu quả; (4) kết quả đánh giá chưa được sử dụng hiệu quả để phản hồi và hỗ trợ tốt cho quá trình đào tạo.
Bởi vậy, việc cải tiến hoạt động khảo thí của Nhà trường hướng đến 2 mục tiêu chính: (1) Đổi mới phương pháp đánh giá theo hướng chuyển từ đánh giá theo nội dung sang đánh giá năng lực (theo chuẩn đầu ra) và (2) Cải tiến công tác tổ chức đánh giá theo hướng ứng dụng công nghệ quản lý hiệu quả quá trình tổ chức đánh giá nhằm nâng tính khách quan/ chính xác trong các khâu/ các hoạt động đánh giá và khai thác kết quả đánh giá làm cơ sở cải tiến quá trình dạy học.
Để đổi mới phương pháp đánh giá, mục tiêu cụ thể bao gồm: Tổ chức bồi dưỡng và tập huấn cho cán bộ/ giáo viên để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động khảo thí; Xây dựng hệ thống tiêu chí và hướng dẫn đánh giá các chương trình đào tạo; Xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn đánh giá kết quả học tập học phần, và Xây dựng và quản lý hệ thống ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra các môn học có tính ổn định cao.
Để thực hiện mục tiêu cải tiến hoạt động tổ chức đánh giá, mục tiêu cụ thể bao gồm (i) Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản (quy định, quy trình, hướng dẫn) và công cụ (phần mềm) quản lý các hoạt động đánh giá thường xuyên; đánh giá các học phần thực hành; đánh giá kết thúc học phần với các hình thức bài tập lớn/ đồ án/ đề án/ tiểu luận; (ii) Xây dựng quy định/ hướng dẫn và tổ chức phân tích kết quả đánh giá học tập để phản hồi đến sinh viên, giáo viên và chương trình; (iii) Điều chỉnh, cập nhật và xây dựng mới một số chức năng thuộc phân hệ khảo thí để phù hợp với hoạt động quản lý đánh giá hiện tại; (iv) Xây dựng mới các phân hệ phần mềm, liên kết với hệ thống Đại học điện tử để xử lý và hỗ trợ các công việc liên quan đến các hoạt động đánh giá và phân tích kết quả đánh giá. Với các lý do và mục tiêu trên, đề án cải tiến hoạt động khảo thí của Nhà trường được chính thức phê duyệt vào tháng 1/2020.
Cán bộ, giảng viên nhà trường tham gia lớp tập huấn về đánh giá kết quả học tập học phần
Các nội dung đã triển khai
Tính đến thời điểm hiện tại, đề án đã được triển khai được 10 tháng và đã thực hiện được một số nội dung: Thứ nhất về bồi dưỡng đội ngũ: TT Khảo thí đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài trường tổ chức được 3 đợt bồi dưỡng, tập huấn với tổng số 12 lớp bồi dưỡng, tập huấn về khảo thí cho cán bộ giảng viên của nhà trường. Sau mỗi đợt tập huấn bồi dưỡng đều thu thập ý kiến phản hồi của cán bộ giảng viên về các lớp tập huấn và các phản hồi rất tích cực. Thứ hai, TT Khảo thí đã tiến hành xây dựng và trình lãnh đạo Nhà trường ban hành quy trình biên soạn và thẩm định tài liệu về hướng dẫn đánh giá kết quả học tập học phần. Trung tâm phối hợp với giảng viên của một số đơn vị đào tạo biên soạn cuốn tài liệu hướng dẫn thực hiện với các ví dụ tham khảo cụ thể. Thứ ba, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị đào tạo lập và triển khai kế hoạch đợt 1 về việc biên soạn tài liệu hướng dẫn đánh giá kết quả học tập cho 405 học phần tại các đơn vị. Thời điểm hiện tại Trung tâm đang tiến hành rà soát các bộ tài liệu này để đề xuất Nhà trường ban hành chính thức. Tuy nhiên trong quá trình rà soát các bộ tài liệu hướng dẫn ĐGKQHT học phần của các đơn vị TT Khảo thí cũng nhận thấy hoạt động thẩm định bộ tài liệu của một số đơn vị chưa có chất lượng cao, TT sẽ gửi các yêu cầu chỉnh sửa tới các đơn vị trong thời gian tới. Về mục tiêu cải tiến công tác tổ chức đánh giá, TT Khảo thí cũng đã đề xuất và hiện đang phối hợp với TT ĐBCL chỉnh sửa, bổ sung gần 30 chức năng thuộc phân hệ Khảo thí thuộc hệ thống Đại học điện tử và đã xây dựng sơ bộ quy trình quản lý các học phần đánh giá thông qua hình thức bài tập lớn, đồ án, tiểu luận, thực tập.
Khóa Tập huấn biên soạn và thẩm định tài liệu hướng dẫn đánh giá kết quả học tập học phần vào tháng 7/2020
Các nội dung sẽ triển khai
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án khảo thí như bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, giảng viên; Triển khai biên soạn thẩm định các bộ tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra CTĐT; Xây dựng quy định, quy trình biên soạn và thẩm định ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra, Phát triển và quản lý ngân hàng câu hỏi; Xây dựng quy trình và công cụ quản lý hoạt động đánh giá quá trình; Tiếp tục phối hợp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện phân hệ khảo thí thuộc hệ thống ĐHĐT; Xây dựng phương pháp, quy trình thực hiện trong việc phân tích kết quả sau đánh giá nhằm góp phần tăng cường hiệu quả quá trình dạy và học trong Nhà trường.
Kiến nghị đề xuất
Do khối lượng công việc rất lớn và liên quan đến chuyên môn sâu về khảo thí, về phát triển hệ thống và về các chuyên ngành đào tạo. Bởi vậy để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Nhà trường, TT Khảo thí rất cần sự hợp tác hiệu quả từ các đơn vị/cá nhân/trong nhà trường như phòng Đào tạo, TT ĐBCL, các Khoa, Trung tâm đào tạo và đặc biệt các thầy cô giảng viên trực tiếp thực hiện các công việc liên quan.
TS. Trần Thị Duyên - Giám đốc Trung tâm Khảo thí
(Tham luận tại Hội nghị Viên chức, tổng kết năm học 2019 - 2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, tổ chức ngày 09/10/2020)
(Nguồn: Website ĐH Công nghiệp Hà Nội)
lên đầu trang