Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 03:28

Thứ năm, 25/04/2024 | 03:28

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 15:53 ngày 26/10/2020

PVN: Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Là ngành công nghiệp đặc thù, những yếu tố ảnh hưởng rõ nét nhất đến sự phát triển nguồn nhân lực trong ngành Dầu khí cơ bản vẫn chịu sự chi phối và tác động từ sự điều tiết vĩ mô của nền kinh tế. Do vậy, để phát triển mạnh mẽ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn tập trung và đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thách thức về nhân lực
Khác với khai thác các khoáng sản khác, hoạt động dầu khí luôn có tính đặc thù, bởi bản chất tự nhiên của các quá trình địa chất, các tích tụ dầu khí phân bố không đồng đều trên toàn bộ vỏ trái đất, trong từng khu vực, trong từng nước và cả trong từng lô, mỏ dầu khí. Đặc điểm này dẫn đến tính rủi ro cao trong thăm dò dầu khí, thường được đo đếm bằng tỷ lệ thành công địa chất. Trên thực tế, để khai thác được một tấn sản phẩm phải cần 5 đến 7 năm làm việc cật lực từ các khâu: Thăm dò khảo sát địa chất công trình; thẩm định trữ lượng, đánh giá tiềm năng; thiết kế mỏ và xây dựng giàn khoan; phát triển đưa mỏ vào khai thác cùng rất nhiều công đoạn khác. Và trong điều kiện thuận lợi 100% như kế hoạch, một dự án dầu khí cần 5 - 10 năm tiếp theo để hòa vốn đầu tư và có “dòng tiền dương”. Vì thế, đầu tư cho một dự án dầu khí cần hàng trăm triệu USD là tối thiểu.

Ngành dầu khí đòi hỏi công nghệ hiện đại, vốn đầu tư lớn lợi nhuận nhiều, nhưng đi kèm là những rủi ro tiềm tàng khó lường trước được
Nhiều người cho rằng ngành công nghiệp dầu khí là độc quyền. Sự thật là không một tập đoàn kinh tế tư nhân nào ở Việt Nam có đủ khả năng đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò mỏ dầu bởi mức chi phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD cho một vài mũi khoan dầu mà không thể chắc chắn được tỷ lệ thành công (phát hiện thương mại) như thế nào?! Một thống kê khác cho thấy, để có một mũi khoan tìm ra dầu, phải có sự tham gia của khoảng 60 ngành khoa học khác nhau, trong đó có cả vật lý hạt nhân và thiên văn học. Ngoài ra, không ai có thể dự báo trước được những biến động về chính trị ở các quốc gia hoặc biến động về giá dầu. Giá dầu trên thế giới là thứ không ai có thể điều tiết được. Việc giá dầu tăng giảm phụ thuộc vào tình hình địa chính trị của các quốc gia; vào sự tăng giảm sản lượng ở các mỏ dầu, thậm chí, chỉ một giàn khoan ở đâu đó ngừng khai thác là giá dầu đã biến động.
Ngành dầu khí đòi hỏi công nghệ rất hiện đại, vốn đầu tư rất lớn, tính quốc tế cao và lợi nhuận nhiều, nhưng đi kèm với đó theo tỷ lệ thuận là những rủi ro tiềm tàng khó lường trước được. Vì các đặc điểm đó mà cho đến giữa thế kỷ 20, ngành công nghiệp dầu khí hoàn toàn nằm trong tay các nước phát triển cao, cùng các tập đoàn siêu quốc gia mang tính độc quyền. Cho nên các quốc gia đang phát triển dù có một tiềm năng lớn về tài nguyên dầu khí thì vấn đề phát triển dầu khí vẫn còn nhiều khó khăn.
Các đặc điểm đặc thù nêu trên cho thấy, ngành công nghiệp dầu khí có những đòi hỏi rất cao về chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với việc PVN có chủ trương đầu tư ra nước ngoài, nguồn nhân lực của PVN cũng phải ngang tầm khu vực, quốc tế, để điều hành thành công các dự án, vận hành an toàn, có hiệu quả các công trình dầu khí trong và ngoài nước. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu cao cho công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là: (i) chuyên nghiệp ngang tầm quốc tế và phải đáp ứng các yêu cầu đặc thù của Việt Nam; (ii) phải bảo đảm mặt bằng chung về chất lượng nguồn nhân lực của toàn Tập đoàn và cần đào tạo được đội ngũ chuyên gia và các nhà quản lý có trình độ cao, sẵn sàng cho những dự án phức tạp, giải quyết các thách thức kỹ thuật và quản lý thường xuyên xảy ra.
Chất lượng nhân lực góp phần giúp PVN vượt khó
Để luôn giữ vị trí quan trọng và tiên phong, ngành công nghiệp dầu khí đã đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với chất lượng nguồn nhân lực. Do điều kiện khai thác dầu khí tại các vùng nước sâu xa bờ, điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp cho nên đòi hỏi lĩnh vực này phải ứng dụng hầu như tất cả những công nghệ tiên tiến nhất được phát minh trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Và để ứng dụng được công nghệ đó cần phải có lượng vốn đầu tư vô cùng lớn. Do vậy, mọi quyết định đầu tư trong lĩnh vực dầu khí phải tính đến khả năng sử dụng vốn và ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu phát sinh chi phí đầu tư. Muốn như vậy, ngành dầu khí bắt buộc cần có những nhân lực chất lượng cao để có khả năng quản trị vốn và vận hành công nghệ.

Chất lượng nhân lực góp phần giúp PVN vượt khó
Là ngành công nghiệp có nhiều rủi ro, các hoạt động dầu khí liên quan đến công tác tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất cho nên không thể khẳng định một cách chắc chắn kết quả của quá trình đầu tư. Đôi khi chi phí đầu tư bỏ ra rất lớn, nhưng phần thu về lại hạn chế, thậm chí không thu được kết quả khả quan. Những rủi ro trong hoạt động dầu khí không chỉ đến từ điều kiện tự nhiên mà đôi khi từ cả điều kiện kinh tế - xã hội hoặc những biến độ chính trị tại nơi diễn ra các hoạt động dầu khí.
Môi trường làm việc nặng nhọc, khắc nghiệt, độc hại và mức độ nguy hiểm và rủi ro cao là những điều có thể dễ dàng nhận thấy đối với những người làm việc trong ngành Dầu khí. Phần lớn người lao động dầu khí thường xuyên phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn cao; độ rung lắc và nhiệt độ quá mức quy định; thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và mưa bão thất thường. Khi khoan thăm dò, các yếu tố rủi ro luôn đe dọa như gặp phải khí độc (H2S) hay vùng áp suất dị thường dễ xảy ra phun trào. Các thiết bị dầu khí cũng tiềm ẩn những mối nguy hại tiềm tàng như các thiết bị đo phóng xạ, thiết bị đo địa vật lý... hoặc phải sử dụng vật liệu nổ, thuốc nổ để thử vỉa, đo địa chấn. Việc thi công, xây lắp, sửa chữa các công trình tiến hành trên vùng biển sâu, nhiều sóng lớn hoặc ở độ sâu hàng trăm mét trong lòng biển. Ngoài ra, do tính chất công việc, người lao động dầu khí phải thực hiện công việc với cường độ, công suất cao, trong thời gian liên tục và kéo dài (lao động trên giàn khao làm việc 12 giờ/ngày và liên tục 15 ngày/tháng; lao động trên tàu dịch vụ làm việc 12 giờ/ngày và liên tục trong 6 tháng/năm), do đó phải tuân thủ tuyệt đối và nghiêm ngặt mọi yêu cầu về an toàn - sức khỏe - môi trường. Các công trình dầu khí hiện có tập trung ở trên biển và các vùng sâu, xa khu dân cư, có nhiều khó khăn, do đó cần chế độ đãi ngộ phù hợp.
Các mỏ dầu khí ở Việt Nam được đánh giá là hình thành trong điều kiện địa chất phức tạp, về mặt địa lý phân bố không đều, đặt ra những thách thức cho nguồn nhân lực trong việc năm bắt kỹ thuật, phương thức quản lý riêng và đặc thù cho riêng ngành công nghiệp dầu khí. Điều đáng lo ngại là nhiều cơ chế, chính sách không còn phù hợp và đang là rào cản cho PVN. Ngoài ra các cơ chế về tiền lương áp dụng cho đội ngũ quản lý cấp cao vận dụng thiếu linh hoạt, gây ra nguy cơ chảy máu chất xám, bởi những công ty dầu khí trong khu vực sẵn sàng chi trả mức lương gấp hàng chục lần để thu hút, lôi kéo những cán bộ quản lý có trình độ, chuyên môn. Các đề xuất của PVN về việc giữ lại một phần lãi dầu để lại để sử dụng cho Quỹ Đầu tư phát triển đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn vốn và không thể đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí để gia tăng trữ lượng.
Mặc dù gặp khá nhiều thách thức và khó khăn, nhưng trong những năm qua, PVN liên tục đạt tăng trưởng vượt bậc về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Tuy thành tích đạt được mới chủ yếu là do mở rộng quy mô, khai thác các tiềm năng sẵn có hơn là nâng cao chất lượng sử dụng các nguồn lực. Để có được những kết quả đó, chất lượng của nguồn nhân lực ngành dầu khí đã có nhiều tiến bộ. Đây chính là nhân tố đáng trân trọng của lao động Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Th.S. Nguyễn Ngọc Linh Ban Kinh tế - Đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
(Nguồn: Báo Công Thương)
lên đầu trang