Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:38

Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:38

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 17:29 ngày 09/11/2020

Petrovietnam ứng phó tốt với khủng hoảng, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh

Đà phục hồi và duy trì tăng trưởng nhẹ trong sản xuất kinh doanh qua từng tháng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã hiện hữu ngày càng đậm nét. Kết quả tháng 10 và 10 tháng lũy kế của năm 2020 đã cho thấy những giải pháp quyết liệt của Petrovietnam trong ứng phó với khủng hoảng đã mang lại thành quả tốt khi Petrovietnam là một trong rất ít các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới không bị thua lỗ.
Mặc dù những tác động từ đại dịch Covid-19 và khó khăn của kinh tế thế giới đã mang tới không ít trở ngại và thách thức trong việc duy trì mục tiêu sản xuất kinh doanh và đầu tư trong năm 2020, tuy nhiên, Petrovietnam đã lách qua khe cửa hẹp một cách ngoạn mục.

Lãnh đạo Petrovietnam giao ban trực tuyến với tổng giám đốc các đơn vị thành viên về kết quả sản xuất kinh doanh tháng 10 và 10 tháng năm 2020
Tại buổi giao ban trực tuyến với tổng giám đốc các đơn vị thành viên về kết quả sản xuất kinh doanh tháng 10 và 10 tháng năm 2020, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm, diễn ra ngày 5/11 do Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì, tổng giám đốc các đơn vị đã báo cáo cụ thể về tình hình của đơn vị; Tình hình triển khai, xử lý các hạng mục công việc đặt ra trong tháng trước; Kế hoạch 2 tháng còn lại của năm, những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp Lãnh đạo và nỗ lực, kiên trì triển khai đồng bộ các gói giải pháp ứng phó của cả Tập đoàn, trong tháng 10 và lũy kế 10 tháng năm 2020 hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của toàn Tập đoàn tiếp tục được duy trì ổn định, tối ưu hiệu quả trong các mặt hoạt động. Sản lượng quy dầu lũy kế 10 tháng đầu năm 2020 ước đạt 17,32 triệu tấn, vượt 2,3% kế hoạch; Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 464,5 nghìn tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn ước đạt 58,3 nghìn tỷ, đạt 86% kế hoạch.
Đối với thị trường phân bón, mặc dù giá ure trong nước duy trì ở mức thấp, giao dịch chậm do vào giai đoạn thấp điểm của thị trường cũng như ảnh hưởng từ tình hình bão lụt kéo dài. Tuy nhiên, nhờ sự năng động trong tìm kiếm, tận dụng cơ hội xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ trong tháng 10 của 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau tiếp tục đạt được kết quả tích cực. PVFCCo đạt 100% kế hoạch sản lượng tháng; PVCFC đạt 130% kế hoạch tháng (chủ yếu do đơn hàng xuất khẩu). Với tình hình tiêu thụ tốt, sản lượng sản xuất phân bón trong Tập đoàn duy trì ở mức cao, tháng 10 vượt 42,7% kế hoạch; lũy kế 10 tháng vượt 11,9% kế hoạch. Đồng thời, Các đơn vị trong toàn Tập đoàn cũng thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm ứng phó với tác động kép (dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu). Trong 10 tháng năm 2020, toàn Tập đoàn đã thực hiện tiết giảm 8.111 tỷ đồng, đạt 87% so với mục tiêu tiết giảm cả năm.

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, 10 tháng qua Petrovietnam đã giữ được nhịp sản xuất kinh doanh ổn định, liên tục, an toàn
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định, 10 tháng qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, giá dầu giảm, cũng như diễn biến thời tiết khắc nghiệt, Petrovietnam đã giữ được nhịp sản xuất kinh doanh ổn định, liên tục, an toàn. Các chỉ tiêu sản xuất cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Qua đó, Petrovietnam là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới ghi nhận các chỉ tiêu tài chính tích cực, không thua lỗ trong bối cảnh thị trường dầu khí toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề.
Đánh giá tình hình chung trong những tháng cuối năm còn hết sức khó khăn, Tổng giám đốc Petrovietnam chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát kế hoạch 2 tháng còn lại của năm, nỗ lực cao nhất để hoàn thành kế hoạch năm 2020 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2021.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: Cần đặc biệt lưu ý những giải pháp như: triệt để thực hành tiết kiệm; tiếp tục triển khai đồng bộ các gói giải pháp ứng phó tác động kép; cụ thể và tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các đơn vị, triển khai đồng bộ các chuỗi liên kết giá trị nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực, lợi thế của từng đơn vị; chủ động dự báo, đề ra các kịch bản ứng phó với những biến động của thị trường; phát hiện, nắm bắt những cơ hội mới khả thi, để giải ngân đầu tư hiệu quả, tạo tiền đề cho sự phát triển giai đoạn tiếp theo.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang