Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 23/04/2024 | 20:41

Thứ ba, 23/04/2024 | 20:41

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 10:07 ngày 13/11/2020

Thúc đẩy năng suất DNVVN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đó là tên và cũng là chủ đề của Hội nghị Thúc đẩy năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Hiệp hội DNVVN Việt Nam phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNVVN. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý khoa học, doanh nghiệp... Nhiều giải pháp thiết thực đã được đề xuất nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN, người lao động sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Chìa khóa giúp DN bứt phá trong bối cảnh dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 bùng phát đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại toàn cầu, nhiều DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động. Trong bối cảnh như hiện nay, yếu tố cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt. Do vậy, DN vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để làm được điều đó, DN cần luôn nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tăng năng suất, hiệu quả hoạt động. Có nhiều yếu tố tác động đến quá trình tăng năng suất, chất lượng, trong đó có vai trò quyết định của đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý… 
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, sự phát triển kinh tế thế giới thời gian qua đã chứng minh KH&CN có tác động quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Chiến lược KH&CN quốc gia và các chính sách công nghiệp đã tạo yếu tố tiền đề và khích lệ các DN mạnh dạn khai thác KH&CN để nâng cao sức cạnh tranh thông qua 4 yếu tố: giảm giá thành; tăng chất lượng; phát triển sản phẩm mới với tính năng sáng tạo; nâng cao khả năng đáp ứng nhanh, nhạy của DN đối với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, thị trường.
Với sự năng động của các DN cùng với môi trường cạnh tranh lành mạnh, KH&CN giúp các yếu tố sản xuất như lao động, tiền vốn, đất đai chuyển dịch nhanh chóng từ ngành nghề, sản phẩm có hiệu quả thấp sang ngành nghề, sản phẩm có hiệu quả cao hơn. Thực tế cho thấy, các DN có sự chủ động, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ thường tăng trưởng nhanh và hiệu quả hơn, nhờ đó có khả năng thích nghi cao với thị trường.
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, năng lực ĐMST, năng lực làm chủ công nghệ của Việt Nam luôn được cải thiện. Trong Báo cáo Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2020 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế, là nước đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia), đứng đầu trong số 29 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.
Trong bối cảnh vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, nhiều DN cho thấy tính chủ động, năng lực thích ứng và đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH&CN để tăng khả năng tiếp cận của khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu, sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới, điển hình như việc nghiên cứu, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng chống đại dịch Covid-19, sản xuất khẩu trang…
Nhấn mạnh vai trò KH&CN trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có khoảng 70.000 DN tạm ngừng hoạt động, 1,8 triệu lao động mất việc làm. Tuy nhiên, cũng trong cùng thời gian này, có 99.000 DN được thành lập mới, chủ yếu là DN ứng dụng công nghệ và điều hành quản trị. Theo khảo sát, các DN phải tạm dừng hoạt động chủ yếu là các DN sản xuất, kinh doanh theo phương thức truyền thống và gặp nhiều khó khăn khi đối diện với  đại dịch. Ngược lại, các DN thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường và ứng dụng triệt để KH&CN thì tỷ lệ tồn tại cao. Thực tế, nhiều DN nhìn thấy cơ hội để làm ăn có lãi và KH&CN là chìa khóa giúp Chính phủ, DN nâng cao năng suất chất lượng, cắt giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNVVN Việt Nam Tô Hoài Nam cũng khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ và ĐMST trong thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông cho rằng, DN đang nhìn nhận vai trò của KH&CN rất khác so với trước đây. Họ không những thấy đó là sự cần thiết mà còn là cơ hội hướng tới thành công. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc hỗ trợ DN cải tiến năng suất, chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thông qua việc triển khai thành công Chương trình 712 về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia đến năm 2020 và việc cho ra đời bộ công cụ VIPA với 64 chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của DN trong chuyển đổi số.
Một ý kiến rất đáng chú ý của bà Cristina Fentross, Quyền Phó giám đốc USAID cho rằng, đại dịch Covid-19 đã gây những tác động chưa từng có tiền lệ đến đời sống của người dân và hoạt động của các DN. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 không làm chậm lại quá trình chuyển đổi KH&CN mà còn thúc đẩy chuyển đổi KH&CN lên tầm cao hơn. Đồng thời, trở thành chất xúc tác để chúng ta thay đổi và nhận thấy sự cần thiết phải có chuyển đổi KH&CN trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Việc chuyển đổi KH&CN nói chung và chuyển đổi số nói riêng là cấu phần cốt lõi của các DNVVN. USAID đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DNVVN nhằm hỗ trợ, khắc phục khó khăn qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều DNVVN của Việt Nam chưa đủ kỹ năng để có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Do đó, các DN cần  hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc đầu tư vào KH&CN, chuyển đổi số và tìm kiếm các giải pháp thích ứng để hoạt động trong bối cảnh hiện nay. “DN cần đổi mới, cải thiện, điều này sẽ giúp DN trở nên năng động, từ đó có thể nắm bắt cơ hội tốt hơn”, bà Cristina Fentross chia sẻ.
Nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và ĐMST của DN
Tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện các DN… đã đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN. Theo đó, để tăng cường quản trị công cho hệ thống ĐMST, Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của toàn xã hội; ban hành các chính sách khuyến khích các DN tăng cường đầu tư cho KH&CN phục vụ sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, cần có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho các DNVVN, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, liên kết, hợp tác nghiên cứu nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử.
Bộ KH&CN (thông qua các đơn vị chức năng) đóng vai trò đề xuất, điều tiết và phát triển các lĩnh vực chuyển đổi số trọng điểm. Tăng cường phổ biến công nghệ tiên tiến của thế giới, phù hợp với trình độ sản xuất của Việt Nam; nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận để tạo độ tin cậy của chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước đã được các tổ chức chứng nhận đánh giá, cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo cơ hôi cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc liên kết được với các tập đoàn đa quốc gia; nâng cao năng lực hấp thu công nghệ thông qua đào tạo bồi dưỡng nghề/đào tạo lại người lao động; thông qua các tổ chức tư vấn, hỗ trợ (như Viện Năng suất Việt Nam) xây dựng các chương trình nâng cao năng lực quản trị chung để doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ công nghệ trong bối cảnh đại dịch…
Về phía các doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN, cần chủ động ứng dụng khoa học, công nghệ và ĐMST trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động chuyển đổi số để thích nghi với bối cảnh mới. Có chiến lược sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả, tăng cường kết nối thị trường, trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; chủ động liên hệ với các cơ quan quản lý để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hoạt động liên quan đến xuất khẩu hiện nay.
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 11 năm 2020
lên đầu trang