Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 00:28

Thứ năm, 25/04/2024 | 00:28

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:10 ngày 16/11/2020

Doanh nghiệp chuyển đổi số để thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19

Ngày 11-11, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid 19.
Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam là sự kiện chào mừng Năm Việt Nam ASEAN và Tuần lễ cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội.
Diễn đàn cũng hướng tới chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN với chủ đề ASEAN số: Bền vững và bao trùm do VCCI và ASEAN-BAC chủ trì tổ chức tới đây.
Với mục tiêu đặt câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam là trung tâm bàn thảo của Diễn đàn nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp theo các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, từ đó hiến kế các giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của bối cảnh mới, góp phần đạt được mục tiêu của chính phủ đã đề ra.
Diễn đàn gồm hai phiên: Phiên tham luận gồm các bài phát biểu mang tính tổng hợp và phân tích chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực và nhân tố trụ cột của chuyển đổi số. Phiên thảo luận gồm các câu chuyện cụ thể của quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau. 
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm nhấn mạnh: "Covid-19 chính là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi. Ý thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, với vai trò và sứ mệnh của cơ quan báo chí, truyền thông kinh tế, là cầu nối truyền tải thông tin, phải hồi và thúc đẩy phát triển".
Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và tuần lễ cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đổi mới và hội nhập vì một Việt Nam thịnh vượng và ASEAN phát triển bền vững.
Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết, mục tiêu của Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề: Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19 chính là đặt câu chuyện chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam vào trung tâm bàn thảo của Diễn đàn nhằm nhận diện, phân tích, đánh giá thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp, từ đó hiến kế các giải pháp giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của bối cảnh mới, góp phần đạt được mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.
Theo ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế. Song đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.
“Trong sáu tháng qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Ông Nguyễn Minh Vũ cho rằng: “Là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu dân là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới”.
Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC, chuyển đổi số giúp ASEAN phát triển bền vững. Theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD.
Thách thức và cơ hội trong chuyển đổi số
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội nhấn mạnh, chuyển đổi số là chủ trương đúng, kịp thời. Lợi thế của Việt Nam là có hạ tầng phát triển nhanh, nhân lực trẻ, sáng tạo, thích ứng nhanh.
"Chúng tôi có 800 trường cao đẳng trung cấp, trước đây học trực tuyến xa lạ nhưng khi Covid-19 xảy ra học trực tuyến được áp dụng phổ biến. Lúc đầu đúng là có tâm lý lo ngại làm sao để học chất lượng, học sinh chưa được trang bị tốt, nhưng đến nay 60% các trường đã tổ chức học trực tuyến, các ứng dụng cũng sẵn có trên mạng để phát triển", ông Trương Anh Dũng cho biết.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là thay đổi thói quen, học đi đôi với hành, thực hành liên tục với thầy cô và nhà trường. Thay đổi tất cả sẽ rất khó nhưng trước mắt chúng ta có thể thay đổi nội dung lý thuyết.
Một thách thức nữa là người dân hiểu biết về công nghệ thông tin chưa cao. Rõ ràng, chỉ một mình hệ thống giáo dục đào tạo tổ chức vận hành thì khó thành công, vai trò của doanh nghiệp công nghệ với thế mạnh của mình sẽ hỗ trợ xây dựng nền tảng hạ tầng. Học liệu chương trình đào tạo chuyển đổi số giúp cho quá trình chuyển đổi số hiệu quả hơn.
"Thêm nữa là nguồn lực đầu tư hạn chế. Tới đây chắc chắn sau chương trình Chuyển đổi số quốc gia thì phải có đề án chiến lược chuyển đổi số cho đào tạo. Chúng ta phải đi theo chiến lược bài bản, cụ thể thế nào thì phải tính toán", ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Ngày 28-5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24 về đẩy nhanh phát triển nhân lực có kỹ năng góp phần tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng đề án chuyển đổi số, bước đầu tiên chúng ta xác định các kỹ năng số cần thiết trong tương lai.
Phân tích về chuyển đổi số trong ngành thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, quy mô thương mại điện tử tăng nhanh từ 2015-2019 với mức tăng trưởng trung bình 30%.
“Con số 2020 sẽ là bí ẩn với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Lúc đầu chúng tôi nghĩ Covid-19 sẽ là đòn bẩy của chúng ta, nhưng sự thật có lẽ tốc độ tăng trưởng không bằng 2019”, ông Đặng Hoàng Hải thừa nhận.
Theo ông Hải, hiện tại, hành vi tiêu dùng mua sắm trực tuyến phát triển rất tốt. Do Covid-19 mà những mặt hàng trước kia người tiêu dùng không dám mua thì nay đã mạnh dạn “xuống tiền” trên trực tuyến.
Những tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp thương mại điện tử là tiết kiệm được chi phí do có thể làm việc ở nhà, lạc quan về nhân sự/duy trì doanh nghiệp sau dịch. Doanh thu giảm nhưng kế hoạch sẽ phục hồi nhanh chóng.
Chính phủ dự đoán tăng trưởng thấp hơn dự báo nhiều, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử rất lạc quan, giá trị mua hàng thương mại điện tử rất cao, giảm nhân sự rất là ít.
Doanh thu của các doanh nghiệp thương mại điện tử chỉ tăng ở các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực chất là doanh thu chung giảm. Dù vậy, họ rất lạc quan với kịch bản phục hồi kinh tế.
“Chúng ta nghĩ rằng tất cả doanh nghiệp tìm đến công nghệ do Covid-19 nhưng thực ra số này chỉ tăng 29%. Tiếp cận công nghệ không dễ dàng”, ông Đặng Hoàng Hải nói.
Covid-19 đã tạo ra lượng người tham gia vào thị trường thương mại điện tử rất lớn, mua nhiều mặt hàng giá trị lớn mà trước đây họ chưa từng mua. Nhóm logistics rất lạc quan với lượng người tham gia rất lớn, tăng tới 73%.
Theo Báo Nhân Dân
lên đầu trang