Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:41

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:41

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:43 ngày 19/11/2020

Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo và chế tạo động cơ điện không đồng bộ 3 pha phòng nổ, công suất đến 630kW, điện áp đến 6kV

Hiện nay trên thế giới có rất nhiều kiểu động cơ điện phòng nổ có các cấp độ phòng nổ khác nhau như: động cơ điện phòng nổ an toàn tia lửa - dạng bảo vệ “i”, động cơ điện phòng nổ có vỏ không xuyên nổ - dạng bảo vệ “d”, v.v... Với tính chất của hầm mỏ, động cơ điện phòng nổ sử dụng cho khai thác than, hầm lò là kiểu ExdI, là dạng động cơ có vỏ không xuyên nổ - dạng bảo vệ “d”, nhóm I. Công ty VIHEM đã lựa chọn thiết kế, chế tạo sản phẩm thử nghiệm là động cơ điện phòng có kiểu bảo vệ phòng nổ ExdI trong đề tài nghiên cứu cấp bộ thực hiện năm 2003 và dự án sản xuất thử nghiệm thực hiện năm 2005 với công suất thiết kế từ 0,55kW đến 18,5kW.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế quốc dân được xác định dựa trên tốc độ tăng trưởng qua từng thời kỳ theo quy hoạch phát triển của các ngành như điện, xi măng, vật liệu xây dựng, luyện kim và chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, nhu cầu hằng năm tăng từ 8 đến 10 % trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, sản lượng khai thác than ước đạt 50 triệu tấn năm 2015, năm 2020 là 57 triệu tấn. Để đáp ứng được sản lượng khai thác, các mỏ khai thác đang phải mở rộng tối đa theo cả chiều sâu và chu vi ruộng mỏ tại các khu vực cho phép, tiếp tục đổi mới đồng bộ và hiện đại hóa thiết bị dây chuyền khai thác hiện có theo hướng dưa vào sử dụng các loại thiết bị cơ động có công suất lớn, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hệ số thu hồi than, đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Dự án: “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo và sản xuất thử nghiệm động cơ điện không đồng bộ 3 pha phòng nổ, công suất từ 55kW đến 630kW, điện áp đến 6kV” do Cơ quan chủ trì Công ty cổ phần chế tạo máy điện Việt Nam - Hungary cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Kỹ sư Bùi Quốc Bảo được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, giao nhiệm vụ thực hiện theo Quyết định số 662/QĐ-BKHCN ngày 31/03/2016 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, thời gian và kinh phí thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm cấp quốc gia bắt đầu thực hiện trong kế hoạch năm 2016 là sự hỗ trợ kịp thời đối với Công ty cổ phần chế tạo máy điện Việt Nam - Hungari, tạo điều kiện để Công ty mở rộng dãy sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Sau hơn 2 năm triển khai dự án, đến nay Công ty VIHEM đã tạo ra 30 sản phẩm động cơ điện phòng nổ các loại có công suất: 55kW; 160kW; 355kW; 500kW; 710kW bước đầu đã được thương mại hóa và có phản hồi tốt từ khách hàng
Danh mục các động cơ điện phòng nổ VIHEM đã chế tạo
Động cơ điện phòng nổ có công suất 55kW, tốc độ đồng bộ 1500 r/min, điện áp 660V; Động cơ điện phòng nổ có công suất 160kW, tốc độ đồng bộ 1500 r/min, điện áp 660V; Động cơ điện phòng nổ có công suất 355kW, tốc độ đồng bộ 1500 r/min, điện áp 6kV; Động cơ điện phòng nổ có công suất 500kW, tốc độ đồng bộ 1500 r/min, điện áp 6kV; Động cơ điện phòng nổ có công suất 630kW, tốc độ đồng bộ 1500 r/min, điện áp 6kV.
Từ bảng số liệu trên ta thấy: Động cơ điện phòng nổ do VIHEM chế tạo có độ phát nhiệt thấp hơn các sản phẩm cùng loại do Trung Quốc chế tạo. Do vậy trong tương lai, có thể điều chỉnh giảm bớt vật tư đầu vào để giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, Dự án thực hiện thành công đã mang lại những lợi ích về kinh tế-xã hội như sau:
- Phát huy tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất, tận dụng được công nghệ sẵn có để tạo ra các sản phẩm mà xã hội cần
- Khẳng định vị thế cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất trong nước, nâng cao uy tín của khách hàng đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước
- Nâng cao tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm, tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu cho đất nước.
- Tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm chi phí đầu tư sản xuất, chi phí vận chuyển, vận hành bảo dưỡng cho các đơn vị sản xuất có liên quan, do sử dụng sản phẩm sẵn có trong nước.
- Tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp do có thêm sản phẩm mới
- Tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước thông qua nộp thuế bù đắp lại kinh phí Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở doanh nghiệp.
Theo: NASATI
lên đầu trang