Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 17/04/2024 | 02:09

Thứ tư, 17/04/2024 | 02:09

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 09:58 ngày 20/11/2020

Hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật Xây dựng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với kỹ thuật Xây dựng

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn là hành lang kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng định hình sự tồn tại, phát triển của công trình xây dựng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả đầu tư công trình xây dựng … Việc hoàn thiện Đề án cần đảm bảo tính tinh gọn, hiệu quả trên cơ sở tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành về danh mục các quy chuẩn xây dựng. Qua đó, phân định rõ giao thoa tiêu chuẩn giữa các bộ, ngành; hoạch định, chuyển đổi hệ thống tiêu chuẩn mới; vấn đề tiêu chuẩn cơ sở và cập nhật giáo trình giảng dạy.
Đến năm 2030, hoàn thành biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới (Ảnh: TL).
Tinh gọn hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn
Ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng với mục tiêu đến năm 2030, hoàn thành biên soạn và ban hành 100% tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng theo quy hoạch định hướng mới.
Theo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng bao gồm: Quy hoạch xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng và khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, kiểm định, bảo trì, sửa chữa các công trình xây dựng (công trình dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình an ninh, công trình quốc phòng và các công trình xây dựng khác).
Phạm vi của Đề án liên quan đến toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đang áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.
Mục tiêu tổng quát của Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo Quyết định phê duyệt Đề án, đến 2020 hoàn thành quy hoạch, biên soạn và công bố “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng” bao gồm 15 - 20 quy chuẩn Việt Nam để phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn xây dựng; lợi ích, an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiết kiệm năng lượng; phù hợp với các công nghệ xây dựng tiên tiến trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thường xuyên soát xét, cập nhật nội dung các quy định trong Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng;
Để thực hiện Đề án này, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng tại Quyết định số 612/QĐ-BXD ngày 15/02/2018. Ban chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Trưởng ban, bao gồm 17 thành viên là các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc các bộ, ngành và đại diện lãnh đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 29/06/2018, Ban Chỉ đạo đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, bao gồm 11 nhiệm vụ cụ thể của Đề án. Trong đó, 2 nhiệm vụ quan trọng, có tính căn bản là lập danh mục hệ thống quy chuẩn kỹ thuật xây dựng tới năm 2025 và lập quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng tới năm 2030. Để thực hiện 2 nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Đề án gồm các chuyên gia, các nhà quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Qua nhiều cuộc họp, theo đó đã thống nhất rút gọn 29 quy chuẩn xây dựng hiện hành xuống còn khoảng 13 quy chuẩn (QCVN). Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì biên soạn và ban hành 10 quy chuẩn, bao gồm: QCVN 01 về Quy hoạch xây dựng; QCVN 02 về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng; QCVN 03 về phân cấp, phân loại công trình xây dựng; QCVN 04 về Nhà ở và công trình công cộng; QCVN 05 về Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; QCVN 06 về An toàn cháy cho nhà và công trình; QCVN 07 về Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; QCVN 08 về An toàn trong thi công xây dựng; QCVN 09 về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và QCVN 10 về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
Bộ Công Thương chủ trì biên soạn 2 quy chuẩn, nhưng Bộ Xây dựng ban hành là QCVN 11 về Công trình công nghiệp và QCVN 12 về Công trình thủy điện. Cuối cùng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì biên soạn và ban hành QCVN 13 về Công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.
Về hệ thống tiêu chuẩn có khoảng 1.504 tiêu chuẩn nhưng qua rà soát phát hiện 256 tiêu chuẩn trùng lặp nên rút lại còn 1.248 tiêu chuẩn. Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm biên soạn khoảng 1.068 tiêu chuẩn. Các Bộ, ngành khác sẽ biên soạn khoảng 180 tiêu chuẩn còn lại.
Hoàn thiện trên cơ sở rà soát, tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành
Trước thực tế một số tiêu chuẩn giao thoa với các Bộ, ngành khác, Tổ giúp việc đề nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng đề cương chi tiết, biên soạn bộ quy chuẩn theo danh mục được phê duyệt và rà soát danh mục tiêu chuẩn hiện có để tránh trùng lắp, phân định rõ theo chức năng, nhiệm vụ. Sau đó trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam cốt lõi, trước khi biên soạn và đổi mới giáo trình trong hệ thống giáo dục đào tạo ngành Xây dựng.
Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng xem xét công tác biên soạn và công bố tiêu chuẩn nhằm đảm bảo tiêu chuẩn được ban hành kịp thời, phục vụ nhiệm vụ công tác quản lý của các bộ, ngành chuyên môn.
Tổ giúp việc cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép các bộ, ngành được phép phát hành tiêu chuẩn sau khi có quyết định công bố của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng cần xem xét tên và số hiệu bộ tiêu chuẩn mới của Bộ Xây dựng dự kiến ban hành (tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia...) để áp dụng song song với bộ tiêu chuẩn quốc gia hiện nay. Việc làm này sẽ giúp Bộ Xây dựng mua bản quyền bộ tiêu chuẩn của châu Âu (EN) để làm cơ sở biên soạn mới một số tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.
Bộ Tài chính cũng sửa đổi các quy định về tài chính nhằm đảm bảo tính đúng và tính đủ nhân công, vật tư cho việc biên soạn hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn.Kinh phí thực hiện Đề án lấy từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm cấp cho các bộ, ngành. Cho ý kiến về các danh mục quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng, các Bộ cơ bản, đều nhất trí với Dự thảo, tuy nhiên còn kiến nghị một số nội dung.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị về công trình công cộng ngầm đô thị trong QCVN 04. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ban chỉ đạo Đề án phải nghiên cứu kỹ phương án để những quy chuẩn mới được đưa vào triển khai ngay lập tức trong thực tiễn, tránh tình trạng các quy chuẩn mới không thể áp dụng vì chưa có tiêu chuẩn.
Bộ Công Thương kiến nghị về thẩm quyền ban hành 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình thủy điện và công trình công nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét lại QCVN 02 về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng và QCVN 12 về công trình thủy điện.
Tại cuộc họp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì mới đây, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rút gọn hệ thống danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng, không nên lạm dụng, ban hành quá nhiều quy chuẩn.
Đối với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình thủy điện, Thứ trưởng đề nghị xem xét sát nhập vào Quy chuẩn về công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, rút gọn danh mục còn 12 Quy chuẩn; đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cân nhắc đưa Quy chuẩn về thép làm cốt bê tông vào QCVN 05 về Sản phẩm, hàng hóa, vật liệu xây dựng.
Về hệ thống tiêu chuẩn, đề nghị rà soát lại, phân chia rõ ràng nhiệm vụ cho từng bộ, ngành tổng hợp, sửa đổi và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng kế hoạch ban hành. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các bộ, ngành nên có định hướng, sửa đổi bổ sung rõ ràng và quan tâm đến tính tương thích với điều kiện của Việt Nam để làm việc nhanh gọn, hiệu quả…
Theo: Báo Xây dựng
lên đầu trang