Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 04:40

Thứ năm, 25/04/2024 | 04:40

Chính sách

Cập nhật lúc 10:25 ngày 26/11/2020

Phát triển công nghiệp vật liệu: Khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt

Bộ KH&CN cho rằng, cần ưu tiên trong phát triển KH&CN nói chung, KH&CN lĩnh vực vật liệu nói riêng, coi đây là khâu then chốt để phát triển công nghiệp vật liệu.
Quang cảnh hội thảo
Ngày 25/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Hội thảo có sự tham gia của Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh, cùng trên trên 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia… lĩnh vực công nghiệp vật liệu.
Phát biểu tại Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh việc làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là nền tảng cơ bản nhất để làm chủ sản xuất công nghiệp. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng tất cả các quốc gia trên thế giới đều tập trung nguồn lực để phát triển các vật liệu có giá trị chiến lược nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo
Mục đích của hội thảo là nhằm phân tích, làm rõ thực trạng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công nghiệp vật liệu của Việt Nam trong thời gian qua; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phát triển công nghiệp vật liệu cũng như các mô hình, chính sách thí điểm, cách làm hay của địa phương, ngành, lĩnh vực hoặc doanh nghiệp cụ thể về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu.
Hội thảo đồng thời nhận diện bối cảnh từ đó đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong phát triển ngành Công nghiệp vật liệu, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết: Phát triển công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với một đất nước đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Theo ông Cao Đức Phát: Chúng ta không thể nhập khẩu hết nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Như vậy, giá thành các sản phẩm của nước ta sẽ cao hơn đối thủ cạnh tranh hoặc sẽ biến đất nước thành quốc gia gia công, làm thuê. Đặc biệt, khi thị trường thế giới có biến động như những gì đang diễn ra từ khi có đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu gặp khó khăn cũng như nhiều ngành gặp khó khăn.
“Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng và rẻ hơn so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước hết cần có quyết tâm chính trị cao và rõ ràng khoa học và công nghệ phải đi trước, mở đường” - ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Để thúc đẩy phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học và và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu, ông Cao Đức Phát cho rằng: Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học và công nghệ, trong đó có khoa học và công nghệ về công nghiệp vật liệu. Đặc biệt, cần có cơ chế để phát huy cao năng lực của đội ngũ những người làm khoa học của các viện nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện để cả xã hội, trước hết là cộng đồng các doanh nghiệp tham gia.
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo
Theo nhận định của Bộ Công Thương, vật liệu công nghiệp là yếu tố có tính nền tảng, nguyên liệu đầu vào cho các thị trường sản xuất hàng hóa. Sản xuất vật liệu công nghiệp có quy mô càng lớn thì giá thành càng rẻ, lợi nhuận và giá trị gia tăng càng cao. Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp cũng sẽ góp phần giảm mạnh nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng thời, khắc phục được tình trạng xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô giá rẻ; tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập. Một trong số những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan là phải bảo đảm quy tắc xuất xứ, tự chủ được vật liệu. Có như vậy mới tạo ra được ưu thế lớn trong cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa.
Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh, hiệu quả phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu có chất lượng. Chính vì vậy, khoa học và công nghệ cần tập trung nghiên cứu phát triển các loại vật liệu trên cơ sở phát huy các nguồn tài nguyên nước ta sẵn có; phát triển vật liệu phục vụ những ngành lợi thế của đất nước...
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng của ngành Công nghiệp vật liệu ở nước ta hiện nay; vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta; những định hướng lớn trong nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu ở nước ta đến năm 2030, tầm nhìn 2045; hợp tác quốc tế trong việc phát triển công nghiệp vật liệu…
Mai Anh t/h
lên đầu trang