Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 11:56

Thứ năm, 25/04/2024 | 11:56

Chính sách

Cập nhật lúc 15:40 ngày 27/11/2020

Ngành logistics: Tháo gỡ “điểm nút”, tạo “bước nhảy” về chất

Việc đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa Việt Nam và các đối tác thương mại, khiến dòng chảy thương mại cao hơn sẽ làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ logistics. Tuy nhiên, cần tăng cường các biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, tạo bước nhảy vọt trong thời gian tới.
Dòng chảy thương mại làm tăng nhu cầu dịch vụ logistics
Ngày 26/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam thường niên lần thứ 8 với chủ đề: Cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, cùng đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 01/2020 đã tác động đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu; cho đến tháng 7 vừa qua, làn sóng Covid-19 lần thứ hai lần lượt xuất hiện ở nhiều quốc gia lớn với diễn biến phức tạp, lây nhiễm rất nhanh trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn.
Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19 đồng thời tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,... phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối lớn về tài chính và tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn
Điểm sáng trong hoạt động thương mại thời gian vừa qua là xu hướng chuyển đổi thói quen mua sắm của người dân, ứng dụng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, điều này sẽ kéo theo việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hóa trong lĩnh vực thương mại và logistics, qua đó đem lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp thương mại điện tử, cho hộ kinh doanh cá thể, cá nhân... nhờ việc giảm chi phí thuê cửa hàng, chi phí bán hàng trong khi lại mở rộng được thị trường trên môi trường mạng Internet.
"Chúng ta có thể thấy bên cạnh những yếu tố tác động tích cực thì việc thực thi các hiệp định thương mại tự do sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh; việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước thành viên trong Hiệp định vào Việt Nam gia tăng, tạo sức ép cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Nguy cơ này đặc biệt phải chú trọng quan tâm đối với nhóm hàng nông sản vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập kinh tế là nông dân và nông thôn" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy Hà Nội
Thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước đối thoại với các bộ, ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics lâu nay, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong logistics giúp chúng ta có được câu giải đáp thích đáng cho “bước nhảy” về dịch vụ logistics của Việt Nam, để có thể thay đổi về “chất” phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tới nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mang lại.
Đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn, ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay: Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều biến động, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều dự báo căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế - thương mại toàn cầu, cuộc cách mạng công nghệ 4.0... đòi hỏi chúng ta phải thực sự gắn kết và chủ động thích ứng để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm trong thời gian vừa qua, thực hiện những đột phá chiến lược trong phát triển dịch vụ logistics góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics
Logistics là một phần không thể thiếu của chuỗi giá trị, cả trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp logistics tạo thuận lợi cho kinh doanh và thương mại và giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm của họ đến với khách hàng. Trong những năm qua, Việt Nam đã cải thiện Chỉ số hoạt động logistics (LPI), từ thứ hạng 53 trong năm 2010 lên 39 vào năm 2018, và xếp hạng cao hơn so với một số nước láng giềng trong khu vực như Malaysia, Indonesia và Philippines nhưng xếp sau Thái Lan, Singapore, Trung Quốc.

Bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam
Bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng: Việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã tăng thêm động lực để xây dựng một ngành logistics mạnh mẽ và cạnh tranh. Các hiệp định thương mại này có thể đẩy mạnh hoạt động giao thương hơn giữa Việt Nam và các đối tác thương mại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Dòng chảy thương mại cao hơn cũng sẽ làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ logistics tốt hơn và cạnh tranh hơn.
"Tuy nhiên, hoạt động logistics kém hiệu quả làm tăng chi phí kinh doanh và giảm tiềm năng hội nhập trong nước và quốc tế. Mặc dù Việt Nam đạt được kết quả tích cực theo Chỉ số hoạt động logistics, vẫn còn nhiều việc cần làm để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực logistics" - bà Stefanie Stallmeister nói.
Đưa ra dẫn chứng, bà Stefanie Stallmeister nêu, trong cuộc khảo sát LPI năm 2018, nhiều doanh nghiệp cho biết Việt Nam có mức phí và lệ phí cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ví dụ, 80% người trả lời khảo sát nói rằng Việt Nam có tỷ lệ vận tải đường bộ cao hoặc rất cao so với mức trung bình của 40% người được hỏi trong khu vực này. Tương tự, 40% người trả lời khảo sát cho biết Việt Nam có phí cảng và sân bay cao hoặc rất cao so với mức trung bình 30-35% người được hỏi trong khu vực. Chi phí vận tải đường bộ đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, nơi hầu hết hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ giữa Bắc và Nam.
Việt Nam cũng bị xếp hạng thấp về hiệu quả của cảng biển và xếp thứ 83 trong số 141 quốc gia về hiệu quả của dịch vụ cảng biển, và xếp thứ 103 về hiệu quả của dịch vụ vận tải hàng không và chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ trong Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019.
Bà Stefanie Stallmeister đã đưa ra hai xu hướng mới đã xuất hiện từ đại dịch Covid-19 có liên quan đến lĩnh vực logistics ở Việt Nam: Xu hướng thứ nhất là sự tăng tốc của thương mại điện tử và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số ở Việt Nam. Trong một cuộc khảo sát của WB vào tháng 6, gần 50% doanh nghiệp cho biết đã tăng cường sử dụng các nền tảng kỹ thuật số như một giải pháp để ứng phó với đại dịch Covid-19. Khi xu hướng thương mại điện tử tăng tốc, nhu cầu về các dịch vụ logistics và giao hàng tận nơi sẽ ngày càng tăng.
Xu hướng thứ hai là sử dụng giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả và cung cấp những dịch vụ mới cho khách hàng. Khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể cung cấp khả năng hiển thị và truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như giao tiếp với khách hàng trực tuyến. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào công nghệ như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, tự động hóa và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, các công nghệ mũi nhọn, như robot, máy bay không người lái và phương tiện tự hành cũng có thể làm tăng hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ logistics.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phát triển dịch vụ logistics
Để góp phần cắt giảm chi phí và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi số, ông Vương Đình Huệ kiến nghị: Cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực logistics; tăng cường áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong các dịch vụ logistics; xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistic đảm bảo sự kết nối giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động logistics; chú trọng và phát triển nâng cao chất lượng nhân lực logistics 4.0...
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Qua báo cáo và trao đổi thảo luận của các quý vị đại biểu, tôi rất vui mừng và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, cùng với những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đã góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, cải thiện cán cân thương mại và giảm tỷ lệ nhập siêu; giải quyết việc làm cho nhiều lao động; nối lại các dịch vụ logistics góp phần hồi phục nền kinh tế của đất nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 và bão lũ liên tục trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, chúng ta đã thấy rõ những hạn chế, yếu kém, tồn tại nổi lên như: chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao; việc ứng dụng khoa học công nghệ và trình độ nguồn nhân lực logistics còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn; cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát được huy hiệu lực, hiệu quả…
Để thúc đẩy vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của ngành logistics trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị: Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy nhân sự phù hợp cho bộ phận đầu mối giúp việc Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại để triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương để kịp thời tái cơ cấu chuỗi cung ứng, dịch vụ logistics quốc tế và trong nước sau khi chấm dứt đại dịch Covid-19 phục hồi kinh tế.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề chính sách và thực thi các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP; giúp doanh nghiệp tham gia hội nhập và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngày càng phát triển, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics; đặc biệt là trong nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực logistics để sẵn sàng thích ứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trong bối cảnh mới của nền kinh tế cho thấy vai trò quan trọng của logistics đối với sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu, những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, của các bộ, ngành, chúng tôi sẽ tiếp thu và tổng hợp, phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu để đưa ra những chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, khắc phục hạn chế, phát huy những thế mạnh, điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp logistics chứng kiến, thụ hưởng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Báo Công Thương

lên đầu trang