Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 18:10

Thứ năm, 28/03/2024 | 18:10

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 17:02 ngày 30/11/2020

Những nguy cơ từ món sushi nhiều người vẫn hồn nhiên ăn hàng ngày

Hiện nay đang có rất nhiều người mua cá diêu hồng về làm sushi tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe.
Sushi làm từ cá diêu hồng dễ nhiễm các loại kí sinh trùng
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip giới thiệu cách chế biến một con cá diêu hồng Nhật (được mua tại Nhật) để làm sashimi và sushi. Chủ clip giới thiệu, các quán ăn tại Nhật đều có món sushi cá diêu hồng do thịt cá này béo, nhiều dinh dưỡng không thua gì cá hồi, cá ngừ đại dương.
Tại TP.HCM, một số nhà hàng Nhật cũng giới thiệu các loại sushi làm từ cá diêu hồng có nguồn gốc từ Nhật. Từ đó, không ít người Việt cũng bắt chước, mua cá diêu hồng được nuôi tại Việt Nam về làm sushi ăn sống. Một số siêu thị, cửa hàng cũng bán cá diêu hồng phi lê nhiều hơn trước để người dân tiện làm món sushi cá cuộn.
 
Món sushi làm từ cá đồng đang được nhiều người thích. Ảnh: Phụ nữ TP. HCM
Nói tới món ăn được nhiều người thích này, tiến sĩ - bác sĩ Lê Văn Nhân - giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) cho biết trên báo Phụ nữ TP. HCM,  nhiều người ăn thủy hải sản sống vì trong cá sống có nhiều vitamin và khoáng chất mà nếu nấu nướng, các chất này có thể mất đi. Tuy nhiên, việc ăn sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác. Thủy hải sản sống dưới nước, là nơi có chứa nhiều vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng. Vi khuẩn thường gặp trên cá là vi khuẩn đường ruột salmonella, thương hàn, lỵ, có thể gây ngộ độc với hội chứng tiêu chảy cấp khi ăn phải.
Có nhiều loại ký sinh trùng sống trong cơ thể thủy hải sản như giun tròn, sán dây. Do đó, nguồn cá cung cấp cho các nhà hàng quán ăn làm sushi, sashimi phải có chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình chăn nuôi, không có ô nhiễm khác từ bên ngoài, không có phân thú vật, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất nuôi trồng thủy sản, kim loại nặng… Cá trước khi lên bàn ăn còn được xử lý sơ bộ bằng chiếu xạ. Nhưng dù quá trình nuôi tốt đến mấy, kể cả được chiếu xạ, vẫn còn sót lại một ít ký sinh trùng. “Dù chọn kỹ, chế biến kỹ, sushi và sashimi ở nhà hàng cũng còn sót ký sinh trùng. Nếu tự mua cá ngoài chợ, bắt cá dưới ao có nguồn nước ô nhiễm, nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng thì nguy cơ còn gấp nhiều lần” - bác sĩ Lê Văn Nhân cảnh báo.
Ông Vũ Thế Thành - chuyên gia về an toàn thực phẩm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam cho biết thêm, có khoảng 50 loại giun, sán ký sinh được tìm thấy ở thủy hải sản, phần lớn ít gây tổn hại cho cơ thể nhưng cũng có vài loại có thể gây chết người. Những loại ký sinh trùng này không gây tác hại ngay sau khi ăn, nhưng sau đó vài ngày, vài tháng, thậm chí vài năm, chúng sinh sôi nảy nở rồi tấn công cơ thể, gây tác hại khó lường, tùy vào việc chúng cư trú hoặc tấn công vào cơ quan nào.
Ông Thành nếu ví dụ, sán lá gan nhỏ (clonorchiasis) khá phổ biển ở các loài cá nước ngọt như cá chép, cá diếc, rô phi… Nó ẩn trong gan người và sống vài chục năm, có thể gây chứng rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là gây xơ gan cổ trướng. Giun đầu gai (gnathostoma) thường có trong tôm, cua, ếch, lươn, chúng đi vào hệ tiêu hóa, di chuyển dưới da, vào gan, mắt, tủy sống và nếu chui vào não thì rất nguy hiểm. Còn ấu trùng của giun anisakis simplex thì có trong các loại cá biển như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, mực, bạch tuộc, khi vào người, chúng sẽ đi khắp nơi và nếu tới não, sẽ gây tử vong.
Người Nhật thích ăn đồ sống nhưng họ rất kỹ, cá phải tươi, ướp lạnh, lạng phi lê, soi đèn dò ấu trùng. Nhưng, dù kỹ lưỡng đến đâu, hằng năm, tại Nhật vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhập viện do nhiễm giun anisakis. Còn tại Việt Nam, cá phi lê xuất khẩu cũng được soi đèn rất kỹ để phát hiện ra ký sinh trùng. Lượng cá bị nhiễm sẽ bị trả về và sau đó chạy đi đâu thì chỉ nhà xuất khẩu biết.
“Khi nấu chín, hun khói nóng trên 600C, các loại ấu trùng, ký sinh trùng mới bị diệt. Còn làm tái, hun khói lạnh, sấy khô, vắt chanh, ngâm giấm, nhúng mù tạt thì một số ký sinh trùng như anisakis vẫn sống khỏe; nếu ngâm trong hỗn hợp muối 8% và giấm 2,5% thì phải sau hai tháng, chúng mới chết” - ông Vũ Thế Thành nói.
Món sushi từ cá sống có thể nhiễm thủy ngân
Không chỉ nhiễm kí sinh trùng các loại khi ăn món sushi còn có nguy cơ ngộ độc thủy ngân. Nhiễm độc thủy ngân có thể dẫn đến "các vấn đề về trí nhớ, yếu cơ, tê và ngứa ran, run rẩy và khó chịu.
Tất cả các loại cá đều chứa mức thủy ngân nhất định, nhưng hầu hết các loại cá được sử dụng trong sushi và sashimi đều là những loài cá lớn, như cá ngừ, cá đuôi vàng, cá hồi, cá nóc, cá thu, sò, cua, mực tôm hùm, và chúng có lượng thủy ngân rất cao.
Sushi từ cá cũng có nguy cơ nhiễm chất độc nhân tạo
Có một cuộc tranh luận trong cộng đồng hải sản về việc ăn cá nuôi hay cá đánh bắt tự nhiên thì tốt hơn cho sức khỏe của bạn. Mặc dù cá nuôi trong trang trại sẽ không có nguy cơ nhiễm giun ký sinh, nhưng chúng sẽ tiếp xúc với chất độc nhân tạo.
Tiến sĩ Dempsey nói: "PCB (hợp chất clo) và thuốc trừ sâu đã được tìm thấy làm ô nhiễm cá nuôi cũng như cá hoang dã từ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ciguatoxin là độc tố được sản xuất bởi các vi sinh vật tảo biển ảnh hưởng đến cá ăn gần các rạn san hô như cá hồng, cá mú, jack và barracuda”.
Nuốt phải ciguatoxin với số lượng lớn có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sau đó là các triệu chứng thần kinh và trong một số trường hợp hiếm gặp, ảo giác hoặc lo lắng. Chọn cá nhỏ hơn khi bạn đặt sushi giúp tiêu thụ chất gây ô nhiễm thấp hơn. Tiến sĩ Dempsey cũng khuyên bạn nên hỏi nhà hàng sushi nơi họ lấy nguồn hải sản để tránh ăn cá được nuôi hay đánh bắt gần các rạn san hô.
Theo: VietQ.vn
lên đầu trang