Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 23:35

Thứ sáu, 19/04/2024 | 23:35

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:28 ngày 01/11/2014

Áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt: Nâng sản lượng mía đường Lam Sơn

Với hơn 70% diện tích trồng mía là đất đồi trong khi cơ sở hạ tầng về thủy lợi chưa đảm bảo tưới tiêu và vẫn chủ yếu phụ thuộc trời mưa…do đó dự án áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tại vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) hứa hẹn nhiều triển vọng khả quan, góp phần phát triển ổn định và bền vững cho cây mía nơi đây…

Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (bên phải) giới thiệu mô hình trồng mía áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa

Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (bên phải) giới thiệu mô hình trồng mía áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt với Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa

Những kết quả bước đầu

Bắt đầu triển khai từ niên vụ 2008 – 2009, Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã cử cán bộ kỹ thuật đi học tập kinh nghiệm tại một số quốc gia đang áp dụng công nghệ này tại Brazil, Thái Lan…đồng thời hợp tác với Hãng Netafim (Israel) – hãng sản xuất và cung cấp các loại thiết bị tưới nhỏ giọt hàng đầu và lớn nhất thế giới hiện nay để nhập khẩu thiết bị và chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, để khuyến khích các đơn vị tham gia dự án này, công ty đã đưa ra nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ đối với bà con trồng mía. Cụ thể như: đầu tư không tính lãi trong thời hạn 5 năm để xây dựng cơ bản trạm bơm, thiết bị; hỗ trợ tiền làm đất, vôi bột; hỗ trợ 20 triệu đồng/ha và tăng giá mua mía lên 20 nghìn đồng/tấn so với giá nguyên liệu toàn vùng.

Đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn chia sẻ: Điều kiện để triển khai công nghệ tưới nhỏ giọt là diện tích đất phải tập trung, liền vùng, liền khoảnh tối thiểu 30 ha; đất phải bằng phẳng, độ dốc thấp. Nếu các điều kiện này được đảm bảo thì sẽ làm giảm chi phí đầu tư ban đầu, suất đầu tư thấp.

Tuy nhiên do vùng trồng mía Lam Sơn hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, diện tích khu vực triển khai dự án chỉ đạt 15 – 20 ha nên suất đầu tư trên đơn vị diện tích khá cao, từ 65 – 85 triệu đồng/ha. Riêng trong niên vụ 2013 – 2014, công ty đã đầu tư 27 tỷ đồng cho dự án với mức đầu tư bình quân 80 triệu đồng/ha (điểm có mức đầu tư cao nhất là 98 triệu đồng/ha và thấp nhất là 60 triệu đồng/ha) và tổng số tiền đã hỗ trợ bà con nông dân tham gia dự án là 15 tỷ đồng.

Về năng suất mía, do mía được tưới đầy đủ theo nhu cầu nên sinh trưởng, phát triển tốt. Nếu so sánh với năng suất trước khi áp dụng tưới nhỏ giọt bình quân chỉ đạt 45 – 50 tấn mía/ha thì sau khi áp dụng công nghệ này đã đạt 80 – 95 tấn/ha, đặc biệt một số hộ năng suất bình quân đạt 90 – 100 tấn/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, lãi thu được khoảng 20 – 30 triệu đồng/ha.

Tiếp tục khắc phục hạn chế

Tuy nhiên vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn thường bị ảnh hưởng bởi bão lụt, trong khi đó mía được tưới nhỏ giọt sinh trưởng, phát triển nhanh và khi mía tốt lại vào đúng thời kỳ mưa bão nhiều (tháng 8 và tháng 9) do đó mía thường bị đổ ngã sớm, làm cho năng suất, chất lượng mía tụt giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng mía.

Bên cạnh đó do trình độ của người trồng mía còn hạn chế nên việc áp dụng, triển khai các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mía còn lúng túng và nhiều khi còn chưa đúng với quy trình kỹ thuật đặt ra.

“Nhiều hộ trồng mía dù đã được tập huấn kỹ thuật song không thực hiện đúng quy trình vận hành tưới nước và chăm sóc; không thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng hệ thống theo đúng quy trình, khi thu hoạch để cho xe vận chuyển vào ruộng làm đất bị nén, gây vỡ đường ống đã ảnh hưởng đến hiệu quả tưới”, đại diện Công ty CP Mía đường Lam Sơn cho biết…

Trong khi việc áp dụng chương trình tưới nhỏ giọt vẫn còn những vướng mắc, khó khăn như yêu cầu diện tích tập trung lớn, trong khi thiết bị chủ yếu vẫn phải nhập khẩu đồng bộ…do đó Công ty CP Mía đường Lam Sơn kiến nghị các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước sớm nghiên cứu và sản xuất thiết bị tưới nhỏ giọt trong nước để giảm giá thành đầu tư trên diện tích hoặc có cơ chế hỗ trợ, giảm thuế nhập khẩu các thiết bị tưới.

Bên cạnh đó do suất đầu tư lớn, Công ty cũng đề nghị Chính phủ sớm có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người trồng mía để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi nói chung và hỗ trợ chương trình tưới nước nhỏ giọt nói riêng cho vùng nguyên liệu, qua đó góp phần tăng diện tích mía tưới nhằm nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng mía…


Hiện nay vùng nguyên liệu mía Lam Sơn tập trung quy mô lớn, nằm trên địa bàn 10 huyện trung du và miền núi tỉnh Thanh Hóa với phạm vi 142 xã, 4 công ty nông nghiệp với gần 30 vạn hộ nông dân trồng mía. Hàng năm, diện tích mía toàn vùng đạt khoảng 16 nghìn ha, sản lượng trên 1 triệu tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu mía nguyên liệu chế biến của 2 nhà máy đường công suất 9.500 – 10.000 tấn mía ngày (TMN).

 

Theo Báo Công Thương

 

lên đầu trang