Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:15

Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:15

Chính sách

Cập nhật lúc 08:52 ngày 10/12/2020

Xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo

TP Hồ Chí Minh đang tập trung nguồn lực xây dựng mô hình, tính kết nối, các giải pháp nguồn nhân lực, hạ tầng tính toán, chuyển đổi số phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là “chìa khóa” xây dựng hệ sinh thái AI cho thành phố bứt phá trong tương lai, nhất là trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Lễ trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo ứng dụng AI thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. Ảnh: TỐ LIÊM
Để đổi mới mô hình tăng trưởng, thành phố đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh trong giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông. Mới đây, thành phố ban hành chương trình chuyển đổi số với mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành phố trở thành chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo... Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh: Thành phố là một trong những tỉnh, thành phố đầu tiên phê duyệt chương trình chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trong đó, thành phố rất chú trọng đến chương trình thúc đẩy AI. Thành phố cũng mong muốn kết nối các nguồn lực từ cộng đồng quốc tế, các bộ, ngành trung ương và cộng đồng nghiên cứu khoa học trí tuệ sáng tạo để hỗ trợ thành phố trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo; đặc biệt là ứng dụng công nghệ AI vào các lĩnh vực quản trị nhà nước, dịch vụ công, sản xuất, kinh doanh cũng như các lĩnh vực trong đời sống, xã hội.
Theo các chuyên gia, để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến xây dựng hệ sinh thái AI, bởi đây là con đường ngắn nhất cho thành phố “đi tắt, đón đầu” và tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. AI rất quan trọng với các nước đang phát triển như Việt Nam và nếu không tiên phong trong lĩnh vực này sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước. Có bốn vấn đề cần chú trọng nếu muốn phát triển AI, đó là nhân sự; đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu; đào tạo thế hệ trẻ chuyên về AI; kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra được sản phẩm. Tuy nhiên, một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay mà TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang gặp là thiếu nguồn nhân lực cả “lượng” lẫn “chất” về AI. Lực lượng nghiên cứu AI cả nước hiện rất mỏng và họ đang gặp trở ngại là chưa có môi trường để tạo bệ phóng phát huy, dù tất cả đều trẻ, tài năng, thông minh. Thống kê cho thấy, Việt Nam có hơn 230 trường đại học và học viện nhưng trong số này số trường có khoa, chuyên ngành về máy tính, chuyên sâu về AI chỉ chưa đến 40. Chưa kể chỉ tiêu đầu vào của các ngành như: khoa học dữ liệu, AI và rô-bốt, IoT (in-tơ-nét vạn vật) và AI ứng dụng, AI và khoa học dữ liệu... có chuyên ngành chỉ vài chục sinh viên.
Giáo sư Yoshua Benjo, thành viên sáng lập hãng Element AI (Ca-na-đa) cho biết: Việc xây dựng thế mạnh tri thức trong các lĩnh vực, trong đó có AI rất quan trọng với các nước đang phát triển. Bởi trong tương lai, phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển công nghệ. Công nghệ sẽ tạo ra nhiều thay đổi cho nền kinh tế cũng như tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm mới. Nhân lực AI do đó phải có nền tảng cơ bản về khoa học máy tính và toán tốt. Trong khi đó, PGS, TS Trần Minh Triết, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Đào tạo là một trong những vấn đề cần được tập trung quan tâm, ngay cả các học sinh, sinh viên cũng như những người đã ra trường đi làm. Vấn đề giáo dục đào tạo AI không chỉ dừng lại trong giai đoạn nhà trường mà cần đào tạo theo hướng chuyên sâu giúp lực lượng nghiên cứu về AI luôn tiếp cận những vùng tri thức mới, những kiến thức, kỹ năng cần thiết để vận dụng trong cuộc sống. 
Cùng với phát triển nguồn nhân lực, việc xây dựng hạ tầng tính toán cũng được các chuyên gia nhận định đóng vai trò rất quan trọng. Việc đầu tư cho hệ thống máy tính phục vụ cho việc phát triển ứng dụng AI đang hạn chế khiến giải pháp trong nước về AI hiện chỉ dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ. Do đó, cần đầu tư hạ tầng tính toán trước một bước để nguồn nhân lực AI có cơ hội nghiên cứu những giải pháp ứng dụng trên quy mô lớn hơn. Về lâu dài, các đơn vị liên quan cần sớm ban hành Chiến lược quốc gia về AI, các trường đại học có uy tín nên mở khoa đào tạo chuyên về AI nhằm khai thác tri thức liên ngành trong nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng AI. Đồng thời, xây dựng chương trình cấp quốc gia về đào tạo ứng dụng AI trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế, xã hội, y - sinh học...
Phát triển AI là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong giai đoạn tới. Thành phố cũng giao các đơn vị liên quan xây dựng chương trình "Nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030". Chương trình này là nền tảng vững chắc giúp thành phố tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, đi đầu trong việc thực hiện mô hình tăng trưởng mới, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. “Thành phố sẽ là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo nhất cả nước, tận dụng các cơ hội phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn. Thành phố cũng khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức chia sẻ tại Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh - WHISE 2020 và Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN) 2020 mới diễn ra. 
Theo: Báo Nhân Dân

lên đầu trang