Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:19

Thứ năm, 25/04/2024 | 14:19

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:46 ngày 18/12/2020

Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho vùng nông thôn của Việt Nam

Mới đây, Tổ chức Oxfam cùng Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS) và các đối tác đã tổ chức khởi động dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” nhằm tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông, lâm nghiệp để tạo thành năng lượng phục vụ sản xuất.
Nguồn phế phẩm nông nghiệp còn bị lãng phí
Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp, nguồn tài nguyên sinh khối từ lượng phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, đáp ứng nhu cầu chế biến thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu trêngần như bị lãng phí, trong khi, các doanh nghiệp chế biến thức ăn gia súc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, dẫn đến tình trạng giá thành thức ăn tăng cao, người nuôi không có lãi… Thống kê cho thấy, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hàng năm tạo ra khoảng 118 triệu tấn chất thải nông nghiệp, nhưng mới chỉ có 11% chất thải này được sử dụng còn một lượng lớn phế phụ phẩm nông, lâm nghiệp đang bị coi như chất thải, vứt bỏ và đốt gây ô nhiễm môi trường.
TS Nguyễn Văn Bắc - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những phế phụ phẩm như thân cây bắp, rơm rạ, bã mía, phụ phẩm xay xát, kho dầu, rĩ mật, xác mì, bã thơm… có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc có rất nhiều và cách chế biến cũng rất đơn giản, phổ biến như ủ rơm khô dạng cuộn với ure trong túi; ủ rơm tươi với ure theo phương pháp đóng bánh, ủ men trong trăn nuôi bò sữa… Tuy nhiên, người chăn nuôi chưa biết tận dụng và thiếu công nghệ kỹ thuật chế biến, gây lãng phí nguồn phụ phẩm và giảm thu nhập khi phải mua thực phẩm cho gia súc ăn vào lúc trái vụ.
Công nghệ khí hóa sinh khối sẽ là giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải nông thôn ở Việt Nam. Trên thị trường Việt Nam đã có một số mô hình thiết bị năng lượng sinh khối, nhưng chưa có mô hình nào được áp dụng rộng rãi. Chính phủ cũng đã có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng sinh khối. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ năng lượng sinh khối vẫn chưa khả quan do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng về cơ bản là do chưa có mô hình công nghệ sinh khối phù hợp với khả năng tài chính và hạ tầng công nghệ của các địa phương và sự thiếu hụt hệ thống hỗ trợ để triển khai mô hình.
Giải pháp bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn
Dự án "Công nghệ khí hóa sinh khối - Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam" do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam quản lý, phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu. Mục tiêu của dự án là nhằm tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông lâm nghiệp để tạo thành năng lượng phục vụ sản xuất. Dự án đang được triển khai tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái từ năm 2020-2024. Dự án đã làm việc với 2.500 hộ chế biến nông sản, 100 doanh nghiệp cơ khí và 400 đơn vị cung ứng sinh khối.
Kết quả khảo sát của Dự án cho thấy, hiện nay đa số các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông sản đều sử dụng than và củi để đốt trực tiếp trong chế biến, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu sức khỏe người dân, tăng chi phí sản xuất và giảm chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, một lượng lớn phế phụ phẩm nông lâm nghiệp đang bị coi như chất thải, bị vứt bỏ và đốt gây ô nhiễm môi trường. Hiên nay, thị trường Việt Nam đã có một số mô hình thiết bị năng lượng sinh khối nhưng không có mô hình nào được các doanh nghiệp, hộ dân áp dụng rộng rãi. Chính phủ cũng đã có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng sinh khối.
Mô hình bếp đun khí hóa sinh khối bao gồm một lò phản ứng, tương tự như một bếp đơn giản, trong đó nhiên liệu sinh khối rắn được đưa vào. Việc cung cấp không khí cho nhiên liệu cần được kiểm soát chặt chẽ để cho phép chỉ đốt một phần của nhiên liệu. Trong quá trình này các loại khí sinh ra được giữ lại và có thể được sử dụng như một nhiên liệu khí. Giải pháp năng lượng này khi được áp dụng sẽ đem lại nhiều giá trị cho các đối tượng hưởng lợi về kinh tế, nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực tại vùng nông thôn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thông qua việc thúc đẩy công nghệ khí hóa sinh khối ở quy mô nhỏ phù hợp với khả năng tài chính và công nghệ của doanh nghiệp, và phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ tại địa phương; góp phần giảm việc sử dụng khí ga và than, đồng thời tận dụng được các nguồn phụ phẩm hiện có. Không chỉ tiết kiệm, hiệu quả về chi phí, giải pháp này còn góp phần tăng chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường. Dự án kỳ vọng sẽ triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương trên cả nước, góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch với giá rẻ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Với công nghệ năng lượng sinh khối thích hợp, những phế phụ phẩm đó có thể được sử dụng làm nhiên liệu sinh khối để sinh nhiệt đáp ứng nhu cầu của các hộ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn năng lượng sạch hơn, rẻ hơn, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm nông thôn.
Theo ông Koen Duchateau - Trưởng ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Liên minh châu Âu đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển dịch năng lượng tái tạo, năng lượng xanh có chi phí phù hợp. Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện chưa khai thác hết tiềm năng sản xuất năng lượng sạch từ sinh khối, giải pháp được coi là hiệu quả cả về chi phí và quản lý chất thải. Do đó, các mục tiêu mà Dự án đang triển khai sẽ rất phù hợp để giải quyết vấn đề này nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu toàn cầu về tiếp cận năng lượng, tăng trưởng bền vững và kinh tế xanh; đồng thời tạo thêm việc làm, đảm bảo sức khỏe cho người lao động và cộng đồng.
Theo: Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam
lên đầu trang