Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:27

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:27

Tin KHCN

Cập nhật lúc 18:07 ngày 21/12/2020

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Chuyển đổi số là vấn đề sống còn

Trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ, mô hình kinh doanh thay đổi nhanh chóng. Cùng đó, đại dịch Covid-19 khiến sự chuyển đổi sang môi trường số không chỉ cần thiết mà là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME).
72% SME tìm cách chuyển đổi số
Nghiên cứu về mức độ sẵn sàng số hóa của SME khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 của CISCO vừa công bố cho thấy, đến năm 2024, quá trình số hóa của SME tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24 - 30 tỷ USD vào GDP, góp phần vào phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Trong khu vực, gần 70% DN đang đẩy nhanh quá trình số hóa do tác động của đại dịch Covid-19; 86% DN được hỏi tin rằng, số hóa sẽ giúp phát triển khả năng phục hồi chống lại các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh
Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích của Forrester - công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ, chỉ có 11% thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% DN còn lại lạc lối trong quá trình chuyển đổi số. Bốn lý do chính là: Nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi.
Tại Việt Nam, có tới 72% SME đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng đáng kể so với mức 32% của năm 2019. Tuy nhiên có nhiều rào cản trong chuyển đổi số đối với DN. Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện với 400 DN Việt Nam trong năm 2020, bốn rào cản chính trong chuyển đổi số đối với DN gồm: Thiếu thông tin về công nghệ số (30,4% DN trả lời); thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số (32,3%), sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN (33,9%); thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số (38,9%), chi phí ứng dụng công nghệ số cao (55,6%).
Đồng thời, thách thức chủ yếu khi triển khai mô hình kinh doanh số gồm: Thay đổi văn hóa và mô hình quản lý/kinh doanh; cam kết nhất quán của lãnh đạo các cấp; cân bằng giữa công nghệ thông tin và quản lý/kinh doanh; quản lý rủi ro kinh doanh số; nền tảng công nghệ thông tin của DN và quốc gia; sự trì trệ, chậm thay đổi của cơ quan quản lý và nhận thức, hiểu biết của khách hàng, đối tác.
Đẩy nhanh tiến trình
Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hợp tác với Dự án USAID LinkSME (thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) thực hiện Chương trình Hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình này hướng đến mục tiêu 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 DN được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; tối thiểu 100 DN được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho DN, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Thông qua chương trình, các DN sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào 4 nội dung: Nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của DN về chuyển đổi số; số hóa hoạt động kinh doanh như marketing, bán hàng…; số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá…; chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho DN.
“Trong giai đoạn đầu, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ các DN trong một số ngành, lĩnh vực như cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm…” - bà Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết, đồng thời khẳng định, đây là một trong các chương trình hỗ trợ thiết thực, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số cho SME trong thời gian tới.
Chuyển đổi số là cơ hội để SME bước vào giai đoạn mới. Việc chuyển đổi số giúp DN tối ưu hóa về vận hành, mô hình kinh doanh như tăng hiệu quả, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, cải thiện quản trị…
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang