Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:29

Thứ năm, 25/04/2024 | 22:29

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 22:59 ngày 25/12/2020

May 10: Bộ giáo an may bằng hình ảnh giúp rút ngắn thời gian đào tạo, tăng năng suất 15%

Với hơn 12.000 cán bộ, công nhân viên đang làm việc, Tổng Công ty May 10 luôn xác định yếu tố con người vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nhắm nâng cao trình độ và tay nghề, tối ưu hoá thời gian và chi phí đào tạo đội ngũ công nhân, Nhóm Nghiên cứu – Cải tiến – Tổ chức sản xuất (IE) – Tổng Công ty May 10 đã xây dựng “Bộ giáo án đào tạo phương pháp may cơ bản bằng hình ảnh các chủng loại sản phẩm: Sơ mi, Veston, Quần Âu”. Đây cũng là sáng kiến cải tiến xuất sắc đạt giải Nhì trong Vòng chung kết Cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020”.
Tại Vòng chung kết, đại diện Nhóm cải tiến cho biết các thành viên trong nhóm đã nghiên cứu, lựa chọn các công đoạn may khó, hay xảy ra sai lỗi khi may các sản phẩm, phân tích các thao tác chuẩn trong phân mềm chuyên dụng, tìm kiếm các công nhân tiêu biểu có thao tác chuẩn, đẹp và tiến hành ghi hình các thao tác dưới nhiều góc độ khác nhau.
Các dữ liệu thu thập tiếp tục được xử lý bằng các phần mềm để nhấn mạnh các cử động khó, cách thức điều chỉnh sản phẩm đẹp, bổ sung các lưu ý, thông số, diễn giải của công đoạn để tạo thành video hướng dẫn hoàn chỉnh. Cuối mỗi video đều có hướng dẫn cách kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Bộ giáo trình đào tạo được hoàn thành dưới 2 hình thức: video và slide ảnh trình chiếu với mục tiêu giúp công nhân dễ làm, dễ hiểu và giáo viên dễ truyền đạt do vậy công nhân làm đúng thao tác ngay từ đầu.
Bộ giáo án này đã giúp rút gắn được 10 ngày đào tạo đối với công nhân mới và tiết kiệm chi phí đào tạo trung bình 3,1 triệu đồng/công nhân mới. Đối với công nhân cũ được đào tạo lại thì năng suất tăng từ 10% đến 15%, tiết giảm trung bình 58 phút đào tạo/công nhân cũ so với phương pháp đào tạo cũ. Đồng thời, chất lượng sản phẩm tăng từ 10% - 15%, giảm số hàng phải sửa, qua đó tiết giảm công lao động và giảm lãng phí nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, việc áp dụng bộ giáo án video/hình ảnh đã tạo sự đồng nhất về phương pháp sản xuất đối với các xí nghiệp làm cùng một loại sản phẩm, tránh việc cùng 1 tổ/đơn vị nhưng có các phương pháp làm khác nhau.
Phương pháp này cho phép triển khai đào tạo mọi lúc, mọi nơi, giúp học viên công nhân dễ dàng tiếp thu các kỹ thuật, công đoạn khó, giáo viên dễ dàng truyền đạt nội dung đào tạo trong thời gian ngắn.

Xem thêm thông tin về Cuộc thi “Nhóm Cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020” tại: https://bit.ly/37FKmnB
Theo Tạp chí Công Thương

lên đầu trang