Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 25/04/2024 | 15:58

Thứ năm, 25/04/2024 | 15:58

Chính sách

Cập nhật lúc 09:56 ngày 14/11/2014

Khoa học và công nghệ điện lực phải đi trước một bước

“Khoa học và công nghệ phải đi trước một bước” - đó là chỉ đạo của ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN và cũng là kết luận tại Hội nghị Khoa học và công nghệ điện lực toàn quốc năm 2014 do EVN và Hội Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức tại TP. Đà Nẵng.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ông Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh và khoa học công nghệ trong ngành điện thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Điển hình là Thủy điện Sơn La về đích sớm hơn kế hoạch 2 năm, Thủy điện Lai Châu đang phấn đấu  về đích trước 1 năm. Nhiều công trình nhiệt điện lớn cũng đang được gấp rút triển khai. Hệ thống truyền tải điện siêu cao áp thời gian qua đã được mở rộng liên tục, mạch 500 kV thứ 3 (Tây Nguyên - TP. Hồ Chí Minh) đã được hoàn thành; vành đai 500 kV quanh thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang từng bước hoàn thiện. Tiêu chí lưới điện thông minh được áp dụng ngày càng rộng rãi trong quy hoạch và phát triển các công trình lưới điện. Hoạt động phân phối và kinh doanh điện năng đang được hiện đại hóa, vấn đề nâng cao trình độ tin cậy cung cấp điện và bảo đảm an ninh hệ thống điện đang được các đơn vị đặc biệt quan tâm.

Để có thành quả trên, rất nhiều sáng kiến tâm huyết, chất lượng cao đã được chia sẻ tại hội nghị thông  qua 42 báo cáo khoa học liên quan đến 4 lĩnh vực: phát triển nguồn điện; truyền tải, phân phối và lưới điện thông minh; bảo vệ, điều khiển và thông tin điện lực; thị trường điện và sản xuất - kinh doanh điện năng, Điển hình là sáng kiến “Chế tạo và sử dụng cột thép di động phục vụ quản lý vận hành lưới điện 110kV”  của ông Lê Minh Tuấn – Phó Tổng giám đốc EVN NPT đã góp phần làm giảm thời gian cắt điện khi thi công sửa chữa, bảo đảm cung cấp điện ổn định, liên tục cho các phụ tải. Sáng kiến xây dựng hệ thống tích hợp SCADA/EMS mới tại Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia của tác giả Nguyễn Nam Hà – Trung tâm điều độ Hệ thống điện miền Trung đã khắc phục được sự thiếu đồng bộ giữa 4 trung tâm điều độ hệ thống điện miền do sử dụng công nghệ khác nhau. Theo đó, hệ thống SCADA ở cả 4 trung tâm được hiện đại hóa bằng cách thay thế phần cứng và phần mềm; tận dụng hệ thống thiết bị đầu cuối hiện có tại các trạm biến áp/nhà máy điện; hình thành một mạng máy tính nội bộ tốc độ cao để kết nối 4 trung tâm điều độ, bảo đảm trao đổi dữ liệu hiệu quả, nhanh chóng và chính xác.

Hội nghị  cũng được nghe  ông Nguyễn Cao Ký –  Công ty Điện lực Khánh Hòa báo cáo đề tài ứng dụng công nghệ GIS để quản lý hạ tầng kỹ thuật lưới điện tại Khánh Hòa. Bà Phan Thị Hồng Hạnh – Phó Trưởng ban Tổ chức và nhân sự EVN trình bày đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững của EVN”; ông Trần Quốc Anh – Trường Cao đẳng Điện lực TP. Hồ Chí Minh trình bày đề án “Nghiên cứu tác động của tụ bù lên hệ thống đo đếm điện năng”; ông Trương Huy Hoàng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực trình bày “Phương pháp xác định sản lượng quy hoạch điện lực quốc gia trong điều kiện thị trường điện cạnh tranh”; ông Vương Hữu Ngọc (EVNSPC)   giới thiệu đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý lưới điện phân phối”... 

 

Ông Hoàng Quốc Vượng Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN:

Khoa học và công nghệ điện lực đã và đang khẳng định vai trò quan trọng luôn phải “đi trước một bước” để tạo bước đột phá phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. EVN  luôn đi đầu trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phát huy sáng kiến; chú trọng quản lý và bảo vệ môi trường...


 Theo Báo Công Thương

lên đầu trang