Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:56

Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:56

Chính sách

Cập nhật lúc 08:14 ngày 05/01/2021

Đà Nẵng: Năm 2021 đẩy mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ

TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội (GRDP) năm 2021 tăng 6% so với năm 2020. Sau một năm 2020 kinh tế trượt dốc, đâu là hướng đi, giải pháp để Đà Nẵng có thể hiện thực hóa mục tiêu này. Báo Công Thương đã phỏng vấn các chuyên gia, nhà quản lý, chính quyền thành phố về mục tiêu này.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ: Kỳ vọng bộ máy lãnh đạo thành phố tiếp tục năng động, sáng tạo
Dịch vụ vốn là ngành thế mạnh và trụ cột kinh tế của Đà Nẵng. Rõ ràng, Đà Nẵng so với những địa phương khác chịu tác động bởi dịch Covid-19 nặng nề hơn. Đây cũng là nơi khởi điểm làn sóng Covid-19 lần thứ 2. Vì vậy, việc Đà Nẵng tăng trưởng âm là điều khó tránh khỏi và cũng không thể đổ lỗi trách nhiệm của ai trong chính quyền TP. Đà Nẵng.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, các thế hệ lãnh đạo của TP. Đà Nẵng luôn tiên phong, năng động, sáng tạo và kỳ vọng bộ máy lãnh đạo mới sẽ tiếp tục phát huy được đặc trưng đó
Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP 2021 tăng 6% so với năm 2020. Mức tăng tương đương cả nước. Đó là một tốc độ mục tiêu tương đối cao, bởi vì, năm 2021 nếu có thì cũng chỉ phục hồi được du lịch trong nước, còn du lịch nước ngoài tiếp tục bị ngưng trệ.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn có những lợi thế để hiện thực hóa mục tiêu.
Đà Nẵng có thể dựa vào khu công nghệ cao (CNC) hoặc công nghiệp phần mềm (CNPM). Đây là những ngành công nghiệp mũi nhọn đã được thành phố xác định phát triển. Thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao (CNCNC) và CNPM sẽ vừa bù đắp cho sự thiếu hụt của lĩnh vực dịch vụ vừa tạo nền tảng cho tương lai.
Đà Nẵng có thể tiếp tục thu hút doanh nghiệp công nghệ trong nước để trở thành trung tâm chuyển đổi số, kinh tế số của khu vực miền Trung; kết hợp với xây dựng các hạ tầng của du lịch, khôi phục các lễ hội ở mức quy mô nhỏ để thu hút khách nội địa.
Quan trọng nhất và yêu cầu lớn nhất ở đây là tính tiên phong, tính sáng tạo của chính quyền địa phương. Lãnh đạo Đà Nẵng luôn mang đặc trưng tiên phong, sáng tạo, đi đầu trong sự phát triển. Nhiệm kỳ lãnh đạo lần này cũng phải như thế, có như vậy thì mới phục hồi sự phát triển kinh tế được.
Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin sẽ là thế mạnh của TP. Đà Nẵng
Ông Lê Minh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung: CNCNC, CNTT sẽ là điểm mạnh của Đà Nẵng
Đà Nẵng vẫn là một trong những thành phố có chất lượng nguồn nhân lực tốt, hạ tầng cơ sở tốt, chất lượng về dịch vụ cung cấp nhà đầu tư tốt. Đà Nẵng có khu CNC và khu công CNTT tập trung. Đó là điểm mạnh của Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ có lợi thế phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như IT, CNC, trí tuệ nhân tạo (AI).
Đà Nẵng sẽ xác định lại những ngành công nghiệp không dựa vào quỹ đất mà dựa vào trí tuệ, nhân lực chất lượng cao. Cơ cấu lại ngành nghề cho phù hợp với thực trạng của ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cũng sẽ cần một thời gian để xây dựng lại chiến lược thu hút đầu tư mới.
TP. Đà Nẵng cũng cần đặt mình trong mối liên hệ là thành viên vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là địa phương thuộc khu vực miền Trung để liên kết với các địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh.
Chúng tôi đang xây dựng bản đồ số về thu hút đầu tư miền Trung. Nơi đó thể hiện địa điểm đầu tư của cả 13 tỉnh miền Trung, những dự án chiến lược, mang tính khả thi, tiềm năng có thể thực hiện ngay được để quảng bá rộng rãi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong giai đoạn vẫn còn ảnh hưởng của Covid-19 thì sản phẩm số là điểm nhấn, điểm mạnh mà ai đi trước về công nghệ người đó sẽ thắng.
Đà Nẵng với sự tiên phong, chủ động thích ứng với Covid - 19 bằng cách thực hiện xúc tiến đầu tư trực tuyến, được kỳ vọng sẽ có kết quả thu hút đầu tư ấn tượng thời kỳ hậu Covid - 19
Ông Lee Sungnyng – Giám đốc Kotra Đà Nẵng: Hình ảnh một quốc gia ổn định sẽ mang đến lợi thế thu hút đầu tư lớn cho Việt Nam thời kỳ hậu Covid – 19, trong đó, thu hút đầu tư Đà Nẵng và miền Trung được dự đoán sẽ có sự bứt phá ngoạn mục
Covid-19 đã thay đổi toàn thế giới và báo trước cho chúng ta những thay đổi rất lớn về định hướng phát triển kinh tế trong những năm tới. Cơ cấu kinh tế của miền Trung Việt Nam trong đó có TP. Đà Nẵng dự kiến sẽ thay đổi. Từ việc phụ thuộc vào dịch vụ du lịch chuyển sang các ngành công nghiệp khác nhau.
Để giảm bớt sự phụ thuộc quá mức vào một quốc gia cụ thể, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến các quốc gia khác. Nếu trước đây các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư ra nước ngoài chú trọng đến yếu tố chi phí thì hiện đã chuyển sự chú ý của mình sang yếu tố ổn định.
Giữa những thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam đã giữ được hình ảnh một quốc gia ổn định bằng cách kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 lần thứ nhất, lần thứ 2 và ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế rất là cao so với các nước láng giềng. Hình ảnh một quốc gia ổn định sẽ mang lại lợi thế thu hút đầu tư lớn cho Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19. Đặc biệt, là ở miền Trung giá thuê đất thấp hơn rất nhiều so với 2 đầu Bắc Nam vì vậy, dự kiến miền Trung sẽ thu hút rất nhiều sau đại dịch này.
Trên thực tế, sự quan tâm của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với miền Trung Việt Nam đang tăng lên từng ngày. Dù các chuyến thăm, tìm hiểu của doanh nghiệp Hàn Quốc đến miền Trung trong năm 2020 đã giảm, nhưng ngày nào chúng tôi cũng tham vấn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể mở rộng đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào miền Trung. Và TP. Đà Nẵng cũng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư dễ dàng hơn thông qua cải cách thủ tục hành chính một cách thích hợp như thông qua các hội thảo thu hút đầu tư…
Đà Nẵng cũng là một điểm du lịch ấn tượng của Việt Nam. Đà Nẵng không chỉ phát triển là một thành phố du lịch mà đang phát triển rất nhanh với diện mạo một thành phố công nghiệp xanh. Đà Nẵng đang đứng thứ 5/63 tỉnh thành về chỉ số PCI, đứng đầu trong chỉ số ICT Index, thúc đẩy mạnh chính quyền điện tử, thành phố thông minh… Ngoài ra, Khu CNC Đà Nẵng là một trong 3 khu CNC của Việt Nam cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện. LG mới đây đã có kế hoạch xây dựng trung tâm R&D tại Đà Nẵng thu hút sự chú ý của nhiều công ty toàn cầu.
Không chỉ riêng doanh nghiệp Hàn Quốc mà tất cả mọi doanh nghiệp đang đầu tư ở TP. Đà Nẵng đều đánh giá cao việc cải cách thủ tục hành chính của chính quyền thành phố.
Đà Nẵng đang thiếu hụt doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, thành phố cũng chưa xác định được lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ lực
Ông Trần Hồng Sơn – Tổng giám đốc Công ty CP Long Hậu: Đà Nẵng cần sớm đưa vào hoạt động Khu công nghiệp hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng
Là một nhà đầu tư tại khu CNC Đà Nẵng, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền thành phố khi triển khai dự án tại đây.
Trong quá trình thu hút đầu tư, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất CNC, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn và sử dụng nhiều chi tiết cấu thành sản phẩm sẽ cần rất nhiều nhà cung cấp đi kèm. Những nhà cung cấp này được yêu cầu đặt cơ sở sản xuất gần kề hoặc không quá 30 phút di chuyển bằng đường bộ để đảm bảo việc cung ứng được liên tục. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều nhà cung cấp không đạt tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp sản xuất CNC hoặc sản xuất phụ trợ CNC theo các quy định hiện hành của Việt Nam
Công ty Cổ phần Long Hậu kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng sớm đưa Khu công nghiệp hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng vào hoạt động để có thêm quỹ đất nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vốn không phải lúc nào cũng đạt chuẩn sản xuất công nghệ cao theo các quy định hiện hành. Tại Khu công nghiệp hỗ trợ Khu CNC Đà Nẵng, tổ chức mô hình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp đầy đủ (từ cơ sở vật chất đến dịch vụ hỗ trợ) theo nhu cầu của nhà đầu tư để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
Đà Nẵng sẽ nỗ lực thực hiện mọi giải pháp đồng bộ để khôi phục kinh tế, đưa kinh tế tăng trưởng đạt mức 6% như mục tiêu đặt ra
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng: Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp CNC, CNTT, công nghiệp hỗ trợ, phục hồi du lịch
Kể cả trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Đà Nẵng đã chủ động thích ứng thông qua đổi mới các phương thức thu hút đầu tư như tổ chức thu hút đầu tư trực tuyến để gặp gỡ trao đổi với các doanh nghiệp, thông tin cụ thể tình hình, nhu cầu cần thu hút đầu tư để các doanh nghiệp biết và tiếp cận.
Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay rất lỏng lẻo. Do vậy, trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ khắc phục nhược điểm này, kết nối và liên kết giữa các nhà đầu tư trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt TP. Đà Nẵng hiện đang nỗ lực thành lập khu công nghiệp hỗ trợ CNC cũng như nhiều khu cụm công nghiệp để có thể lôi kéo được nhiều doanh nghiệp vệ tinh, tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tốt hơn.
Năm 2021, thành phố sẽ nỗ lực tập trung các lĩnh vực mũi nhọn như phát triển công nghiệp CNC, CNTT, logistics, đặc biệt là triển khai các biện pháp để khôi phục thị trường du lịch, trước mắt là thị trường du lịch trong nước, nội địa.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong nước đến đầu tư tại Đà Nẵng. Một giải pháp rất quan trọng đó là chính quyền thành phố sẽ tháo gỡ khó khăn cho những dự án hiện nay đang bị chậm trễ để có thể sớm triển khai, đóng góp trực tiếp vào tổng giá trị sản phẩm (GRDP) thành phố trong năm 2021.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang