Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:23

Thứ sáu, 29/03/2024 | 09:23

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 07:36 ngày 11/01/2021

Công nghệ mới tách chiết dầu dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao

Lần đầu tiên ở Việt Nam dây chuyền sản xuất dầu dừa nguyên chất (VCO) từ dừa tươi với quy mô công nghiệp được triển khai thành công tại Công ty TNHH Dừa Lương Quới.
Với phương pháp ly tâm, không sử dụng nhiệt độ cao, không sử dụng hoá chất trong quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Cộng đồng dừa châu Á - Thái Bình Dương (APCC) và Philippines.
Theo đánh giá của Hiệp hội dừa châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là một quốc gia có năng suất và chất lượng trái dừa cao nhất trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, trình độ sản xuất các sản phẩm về dừa còn thủ công nên chất lượng sản phẩm còn thấp, cạnh tranh trên thị trường yếu. 
Qua khảo sát thực tế của đoàn công tác Bộ KH&CN cùng với các nhà khoa học thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ tại Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) cho thấy năm 2013, Công ty này sản xuất VCO theo công nghệ ép từ cơm dừa khô (copra) đã qua sấy với năng suất đạt 100-200 tấn/năm. Chất lượng VCO theo công nghệ này đạt mức độ trung bình, chủ yếu tiêu thụ trong nước vì chưa đáp ứng được yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, nên chưa xuất khẩu được vào Mỹ hoặc có xuất khẩu chỉ tiểu ngạch, giá trị thấp.
Từ nhu cầu thực tế trên, Bộ KH&CN đã giao TS. Nguyễn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Sinh học Thực nghiệm thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt”. Đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
Chia sẻ về thành công của đề tài, TS. Nguyễn Phương cho biết: Trước đây việc tách chiết thường phải xử lý ở nhiệt độ cao (trên 200 độ C) đã làm mất đi một lượng đáng kể thành phần dinh dưỡng trong dầu như các loại vitamin, axit béo (axit lauric, palmitic, oleic...). Với công nghệ mới, dầu dừa được tách trực tiếp từ cùi dừa tươi, qua quá trình nghiền, ép, ly tâm với năng suất đạt 5.000.000 lít/năm (1.000 lít VCO/1 giờ) tương đương 15.000 trái dừa/giờ. Tỷ lệ thu hồi dầu đạt 99,92% hàm ẩm của dầu đạt 0,08%. Sản phẩm VCO được cấp chứng nhận US FDA và BRC food đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ và EU.
TS. Nguyễn Phương cùng đoàn công tác Bộ KH&CN làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre và kiểm tra dây chuyền công nghệ không gia nhiệt.
Nhờ đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất trên đã giúp nâng cao 25% giá trị cho sản phẩm dầu dừa tinh khiết khi xuất khẩu. Cụ thể công nghệ mới đã nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm VCO từ trái dừa tăng trên 1.000 USD/ tấn sản phẩm (công nghệ ép lạnh 4.000USD/tấn, công nghệ mới trên 5.000 USD/ tấn). Doanh thu đạt 750 tỷ đồng/năm. 
Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc thực hiện thành công đổi mới công nghệ, tìm kiếm, giải mã công nghệ cao áp dụng vào sản xuất hướng tới mục tiêu: “Nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm từ dừa, giảm thiểu xuất khẩu dạng thô các chế phẩm từ dừa” mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Mai Anh t/h

lên đầu trang