Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 02:07

Thứ sáu, 19/04/2024 | 02:07

Chính sách

Cập nhật lúc 18:12 ngày 17/01/2021

Quản lý thương mại điện tử trên mạng xã hội được bổ sung vào Nghị định 52/2013/NĐ-CP

Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển nhanh tại Việt Nam, nhưng có nhiều vấn đề mà pháp luật chưa thể quản lý hết nên cần sửa đổi quy định để chặt chẽ và bao quát hơn.
Ngày 14/1/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử”.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, VCCI, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phát triển nhanh chóng về TMĐT. Đến nay, TMĐT đã lan tỏa rộng rãi đến mọi người, mọi nhà nhưng còn nhiều vấn đề cần quan tâm như: hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ...
Do đó, Bộ Công Thương đang xây dựng và lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Nội dung của dự thảo bổ sung một số quy định về cơ chế quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài, quy định việc quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội, sửa đổi một số quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT và sửa đổi trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn TMĐT…
“Văn bản dự thảo nghị định sửa đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sàn TMĐT trong nước từ thương nhân đến các mạng xã hội”- ông Đậu Anh Tuấn nêu cụ thể.
Về phía Bộ Công Thương, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi tập trung vào 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 7/10/2020, cụ thể: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong TMĐT; quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài. “Dự thảo được xây dựng với mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Nghi định 52, đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động TMĐT bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT, không để TMĐT bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật”- bà Lại Việt Anh khẳng định.
Ngoài ra, dự thảo nghị định sửa đổi còn quy định việc quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội; sửa đổi một số quy định về trách nhiệm của sàn TMĐT và sửa đổi trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn TMĐT…
Quan điểm chung của cơ quan soạn thảo khi xây dựng luật là phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, TMĐT là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển.
Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - đánh giá, nhìn chung dự thảo rất tốt. Tuy nhiên, thực tế công nghệ thay đổi quá nhanh nên khó có thể tin tưởng, dự thảo sẽ đi vào cuộc sống một cách trơn tru. “Lâu nay, quyền lợi người tiêu dùng trên TMĐT bị xâm hại khá nhiều, dường như TMĐT càng phát triển thì lòng tin của người tiêu dùng với TMĐT càng giảm. Nghị định đã cố gắng để cân bằng hai yêu tố này, nhưng mong muốn bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ hơn sẽ làm khó doanh nghiệp. Chẳng hạn như quy định trách nhiệm của sàn TMĐT khi có hàng giả, hàng nhái khá nặng, tạo thêm chi phí tuân thủ. Tương tự, quy định về TMĐT có sự đầu tư của nước ngoài cũng chưa hợp lý…”, ông Nguyễn Thanh Hưng nêu vấn đề.
Cũng tại hội thảo, đại diện một tiểu thương đang kinh doanh trên sàn TMĐT đã cho rằng, các quy định pháp luật về TMĐT cần nhanh chóng được hoàn thiện để cá nhân, doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh lâu dài. Hơn nữa, cơ sở pháp luật đầy đủ sẽ tạo hành lang để kinh doanh an toàn, bởi hiện kinh doanh online không hề có cơ sở nào hướng dẫn thực hiện.
Trước những phản ánh trên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nghị định không can thiệp quá mức vào hoạt động của doanh nghiệp mà hướng tới cân bằng mục đích của các bên tham gia TMĐT như chủ sàn, nhà sản xuất, người bán hàng và người tiêu dùng. “Thời gian qua, tình trạng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng nhái ngày càng tăng trên sàn, vì vậy nghị định đưa ra các giải pháp minh bạch thông tin hàng hóa, trách nhiệm chủ sàn” - đại diện lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định.
Dự kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử sẽ được trình Chính phủ trong quý I/2021.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang