Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:36

Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:36

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 09:40 ngày 21/01/2021

Thực phẩm, đồ uống sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong 2021

Dự báo trong năm nay ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn sẽ tiếp tục tăng trưởng dương do đây là mặt hàng được “ưu tiên” trong giỏ hàng chi tiêu của các gia đình Việt.
Theo Fitch Solutions, tất cả các danh mục chi tiêu chính của người tiêu dùng sẽ tăng trưởng dương trong năm 2021. Cụ thể, thực phẩm và đồ uống không cồn là mặt hàng thiết yếu, được ưu tiên trong giỏ hàng chi tiêu của các gia đình trong năm 2020. Và sang năm 2021 nhu cầu tiêu dùng của các mặt hàng này được dự báo sẽ tăng ở mức 7,8%.
Dầu ăn là ngành hàng tăng trưởng mạnh trong năm 2020
Trước đó trong năm 2020, ngành hàng tiêu dùng là thực phẩm, đồ uống đã đạt mức tăng trưởng ấn tưởng bấp chấp ảnh hưởng của dịch bệnh với con số là 12,6% - theo Fitch Solutions. Các chuyên gia đánh giá rằng, chính nhu cầu thị trường ổn định cùng sự điều hành linh hoạt trong kinh doanh đã giúp doanh nghiệp ngành thực phẩm đạt doanh thu kỷ lục trong năm 2020, kéo mức tăng trưởng của ngành này tăng cao.
Một số doanh nghiệp đạt doanh thu “khủng” có thể kể tới như Tập đoàn KIDO đạt doanh thu 8.322 tỷ đồng trong 2020, tăng 15,4% so với 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 418 tỷ đồng, tăng 47,4% so với năm 2019. Lãnh đạo KIDO cho biết, doanh thu thuần năm 2020 tăng chủ yếu là do sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dầu ăn. Theo đó, doanh thu thuần từ ngành dầu ăn chiếm 84,5% doanh thu thuần toàn Tập đoàn (tăng mạnh 25,1% so với năm 2019, trong đó dầu Tường An tăng trưởng mạnh 26,7%), ngành hàng lạnh chiếm 15,1% (giảm 7,5% so với năm 2019) và các ngành khác chiếm 0,4%.
“Trong năm qua KIDO đã chủ động, linh hoạt trong việc điều tiết nguồn nguyên liệu, tối ưu hóa chi phí, nghiên cứu và nắm bắt tâm lý người tiêu dùng cũng như thói quen sử dụng sản phẩm tại từng vùng miền, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh tương tác, bán hàng trực tuyến cho người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử”- đại diện KIDO cho biết.
Trong khi đó, ở mảng đồ uống, theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán SSI mới công bố, doanh thu nội địa của Vinamilk và Mộc Châu Milk lần lượt tăng 6% và 8% trong năm 2020, còn doanh thu từ thị trường nước ngoài tăng tối thiểu 5 - 7%. Trước đó Vinamik đã công bố doanh thu hợp nhất trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 45.211 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, doanh thu thuần nội địa đạt 38.720 tỷ đồng, tăng trưởng 8,1% so với 2019. Với Mộc Châu cũng đạt doanh thu thuần đạt 2.142 tỷ đồng, tăng 9.8% so với cùng kỳ 2019.
Với dự báo tích cực của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho ngành hàng thực phẩm trong 2021, doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống đã sẽ tiếp tục chiến lược phát triển sản phẩm theo từng khu vực và thị trường khác nhau, đẩy mạnh sức tiêu thụ sản phẩm của các khách hàng mới. Chẳng hạn KIDO sẽ chú trọng đa dạng hóa sản phẩm trong ngành dầu ăn, ngành kem, ngành snacking, đặc biệt các sản phẩm cốt lõi và cao cấp có lợi nhuận cao. Doanh nghiệp này cũng sẽ chính thức đưa ra thị trường các sản phẩm liên doanh với Vinamilk trong lĩnh vực nước giải khát phục vụ người tiêu dùng.
“Hiện tại các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm đã có kế hoạch sản xuất cụ thể cho năm 2021, đặc biệt là cho dịp cao điểm Tết nguyên đán Tân Sửu sắp tới. Theo đó, tập trung sản xuất, tăng lượng hàng dự trữ, chuẩn bị lượng hàng Tết tăng so với các năm trước và xây dựng các kế hoạch, phương án dự phòng sẳn sàng ứng phó cho tình huống xấu nhất, khi mà dịch Covid vẫn còn diễn biến phúc tạp”- bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực- Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang