Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:12

Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:12

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:12 ngày 29/01/2021

Đưa doanh nghiệp gần hơn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức, phương thức sản xuất hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ đối với các doanh nghiệp. Cách mạng 4.0 mang lại nhiều cơ hội, cho phép doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tri thức, các công nghệ tiên tiến, với những đột phá giúp giảm mạnh chi phí sản xuất, vận hành, giảm áp lực về trình độ của lực lượng lao động.
Bên cạnh cơ hội, điều đó cũng đặt ra áp lực, thách thức không nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh, trong đó, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực về nguồn lực đầu tư để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, đột phá...
Ảnh minh họa
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh đến năm 2030. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng giúp DN nhanh chóng tiếp cận và tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Thiết kế nội dung của đề án sẽ tập trung cụ thể hóa những hoạt động hỗ trợ cũng như việc xây dựng năng lực, hình thành hệ sinh thái phục vụ phát triển sản xuất thông minh cho các DN ngành Công Thương.

Theo ông Đào Trọng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), CMCN 4.0 đang mở ra cơ hội to lớn để DN xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ là vấn đề nâng cao hiệu quả hay chất lượng sản phẩm, dịch vụ, việc ứng dụng các công nghệ mang đến cơ hội cho các DN trong việc tạo ra giá trị hoàn toàn mới bằng việc hình thành những sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.

Cuộc CMCN 4.0 không chỉ là vấn đề mang công nghệ nào vào trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các DN nên nhìn nó như một yếu tố, điều kiện mới tác động tới mỗi DN, là một cơ hội để các DN xem lại định hướng phát triển, đưa ra những kế hoạch để hiện thực hóa cơ hội. Nếu nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa các công nghệ mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số, DN sẽ có cơ hội để tiến nhanh về phía trước, tạo ra những bước phát triển đột phá.
Trong môi trường làm việc nguy hiểm, khi robot được đưa vào thay thế cho con người, thì sức khỏe và sự an toàn của người lao động sẽ được cải thiện đáng kể. Các chuỗi cung ứng có thể được kiểm soát dễ dàng hơn khi có dữ liệu ở mọi cấp trong quá trình sản xuất và cung ứng. Kiểm soát trên máy tính có thể tạo ra năng suất và sản lượng đáng tin cậy và nhất quán hơn. Kết quả là, DN có thể tăng doanh thu, thị phần và lợi nhuận nhiều hơn.

Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của máy móc cùng với các thiết bị internet đã mang đến cho DN nhiều cơ hội để bứt phá. Nếu tận dụng tốt những lợi thế từ cuộc cách mạng này, DN có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc và thời gian, cải tiến bộ máy làm việc và nâng cao hiệu suất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ, kết nối DN trong nước với các DN có thế mạnh trong phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp 4.0. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã hợp tác cùng Tập đoàn Siemens của Đức để hỗ trợ điểm một số DN thực hiện việc đánh giá mức độ sẵn sàng trong phát triển nhà máy thông minh; từng bước hỗ trợ DN xây dựng kế hoạch và lộ trình để thực hiện chuyển đổi số.
Tùng Lâm t/h
lên đầu trang