Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:27

Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:27

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:10 ngày 01/02/2021

Đổi mới sáng tạo để phát triển

Sự tin tưởng, khí thế mới xây dựng đất nước đang được lan tỏa khắp xã hội. Mọi người dân, các chuyên gia, nhà quản lý trên các lĩnh vực... khi được hỏi đều tin tưởng: Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu lớn mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Thực tế đang cho thấy, khi thời cuộc thay đổi nhanh chóng, muốn phát triển thì phải đổi mới. Muốn đổi mới phải sáng tạo. Đổi mới và sáng tạo là hai mặt có quan hệ mật thiết với nhau trong một quá trình phát triển. Trong đổi mới có sáng tạo và sáng tạo luôn gắn liền với đổi mới. Có lẽ vì thế mà từ khóa "đổi mới sáng tạo" (ĐMST) đã được nhắc nhiều lần trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội XIII.
Ảnh minh họa. TTXVN.
Hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này, trước thềm Đại hội XIII, trong bài viết: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học-công nghệ và ĐMST... ". Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão, nếu không sáng tạo không thể phát triển và hoàn thành các mục tiêu lớn đã đề ra. Với tư duy nhạy bén, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong thực tiễn, chúng ta đang từng bước thực hiện ĐMST trên các lĩnh vực với nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với lộ trình, bước đi được tính toán kỹ lưỡng, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế đất nước. Trước mắt, đó là việc chú trọng xây dựng môi trường thể chế thuận lợi; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông..., tạo những tiền đề thiết yếu để thực hiện ĐMST có kết quả, có chiều sâu và bền vững. Nhiều lĩnh vực đang được ưu tiên phát triển như: Chuyển đổi số trong hoạt động kinh tế-xã hội, quản trị..., từng bước hình thành kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, tạo ra những giá trị mới và sức mạnh tổng hợp mới của đất nước.
Đảng cũng đã lường trước những khó khăn khi xác định tiên phong ĐMST ắt sẽ có vấp váp. Vì lẽ đó, trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày, đã nhấn mạnh tới việc đề ra chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp tạo mọi thuận lợi cho ĐMST; bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám ĐMST, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Để ĐMST thực sự đi vào cuộc sống, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần thể hiện rõ vai trò gương mẫu; từng bước đẩy mạnh phong trào ĐMST trong cộng đồng, trở thành nét văn hóa của mỗi người, cả cộng đồng và dân tộc cùng sáng tạo. Nuôi dưỡng để ĐMST trở thành văn hóa của con người Việt Nam song song tồn tại cùng với giá trị truyền thống của dân tộc ta, như: Chủ nghĩa yêu nước, đức hy sinh, lòng nhân ái... Đây là nền tảng vững chắc cho sự thành công của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam trong tương lai.
Theo Báo Quân đội nhân dân
lên đầu trang