Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 03:43

Thứ sáu, 19/04/2024 | 03:43

Đo lường chất lượng

Cập nhật lúc 17:22 ngày 01/02/2021

Tiêu chuẩn-Quy chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển: Bài 2- Nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa

Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi chưa từng có “tiền lệ” trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã đặt tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam trước thách thức phải luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hàng hóa, cũng như giải pháp quản lý, điều hành để thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại Hội thảo 15 năm công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ảnh minh họa: tcvn.gov.vn
Quản lý chất lượng hàng hóa
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, cũng như ảnh hưởng của dịch COVID-19, vai trò của khoa học công nghệ cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn – quy chuẩn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cũng như tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, góp phần giúp Chính phủ thực hiện "mục tiêu kép", vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa nhanh chóng phục hồi kinh tế.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Liên quan đến việc quản lý chất lượng hàng hóa, giai đoạn 2016-2020, Tổng cục đã phối hợp với các đơn vị, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra chất lượng, đo lường và ghi nhãn các hàng hóa thuộc các lĩnh vực: Xăng dầu; điện - điện tử; mũ bảo hiểm; vàng, trang sức, mỹ nghệ; thực phẩm đóng gói sẵn… 
Theo đó, Tổng cục đã khảo sát tại 2.932 cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu các mặt hàng: Xăng dầu; điện - điện tử; mũ bảo hiểm; vàng, trang sức, mỹ nghệ và kiểm tra 1.535 cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Tổng cục đã lấy 8.446 mẫu kiểm tra; kết quả có 1.607/8.299 mẫu được kiểm tra không đạt về ghi nhãn; 299/3.943 mẫu được kiểm tra không có CR; qua kiểm tra nhanh có 68/755 mẫu không đạt; kiểm tra nhà nước tổng số 5.601 lô xăng, dầu diesel, cồn, LPG và dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu với tổng khối lượng 37.486.932,8 tấn; xử lý theo thẩm quyền và chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trên 64 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 3 tỷ đồng.
Tổng cục luôn chú trọng hướng dẫn các bộ, ngành, Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đầy đủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản quy phạm dưới luật, đồng thời giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai đối với hoạt động đánh giá và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Giai đoạn 2016-2020, Tổng cục đã rà soát, loại bỏ khỏi danh mục hàng hóa nhóm 2 đối với những hàng hóa không thực sự gây mất an toàn hoặc chưa xác định được cách thức quản lý hoặc chưa có QCVN; bổ sung mã HS (nếu chưa có mã HS); đồng thời xác định rõ loại hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng biện pháp quản lý tiền kiểm, biện pháp hậu kiểm để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tăng mạnh qua các năm, năm 2016 là 90 hồ sơ; năm 2017 là 343 hồ sơ; năm 2018 là 428 hồ sơ; năm 2019 là 640 hồ sơ, năm 2020 là 804 hồ sơ (tăng 25,6% so với năm 2019).
Thực hiện Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP, Tổng cục đã thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động đăng ký và chỉ định, các tổ chức đăng ký và chỉ định, đáp ứng điều kiện quy định tại 2 Nghị định này (không phân biệt các tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế) đều được tham gia hoạt động đăng ký và chỉ định trên lãnh thổ Việt Nam. Tính đến ngày 30/12/2020, đã cấp Giấy chứng nhận hoạt động đăng ký và chỉ định cho 563 tổ chức thử nghiệm, 104 tổ chức chứng nhận, 77 tổ chức giám định, 5 tổ chức kiểm định, 3 tổ chức công nhận; cấp Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố năng lực thực hiện hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm, chứng nhận hệ thống cho 14 cơ sở đào tạo, góp phần quản lý và nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm.
Đẩy mạnh cơ chế một cửa quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh khẳng định: Thực hiện nhiệm vụ được giao, Tổng cục tập trung triển khai hệ thống hải quan điện tử, đổi mới kiểm tra hàng hóa chuyên ngành, tăng cường hậu kiểm; kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất; cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, giảm thời gian thông quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chính phủ điện tử.
Tổng cục đã triển khai quyết liệt và hoàn thành xây dựng phần mềm, kết nối với cơ chế 1 cửa quốc gia đối với 6 thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện nay, Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời duy trì 6 thủ tục hành chính kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, với khoảng hơn 120.000 lượt hồ sơ được giải quyết, góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chỉ số cải cách hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ. 
Giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục đã triển khai Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712).
Chương trình đã được thực hiện, xây dựng phong trào nâng cao năng suất, chất lượng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đóng góp vào tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đạt trên 40%; xây dựng hơn 100 bộ chương trình, tài liệu đào tạo về tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng, quản lý đo lường, đánh giá và chỉ định, kỹ năng quản lý dự án năng suất, chất lượng…
Tổng cục tiếp tục triển khai Chương trình 712 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng trong và sau dịch COVID-19, tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia năng suất, chất lượng để đánh giá hiệu quả Chương trình giai đoạn 2011-2020 và bàn các biện pháp triển khai Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; từng bước hình thành hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, tạo cơ sở cho bộ, ngành, địa phương trên cả nước thống nhất về kế hoạch thực hiện, thúc đẩy sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Tổng cục đã xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong thời gian tới, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Báo Tin tức - TTXVN
lên đầu trang