Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 20/04/2024 | 08:36

Thứ bảy, 20/04/2024 | 08:36

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:02 ngày 05/02/2021

Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương: thực hiện tốt vai trò tham mưu, nghiên cứu phát triển công nghiệp và thương mại

Với nhiệm vụ chính là nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại; nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, kinh tế số phục vụ sự phát triển của các lĩnh vực công nghiệp và thương mại; thực hiện và phối hợp thực hiện thẩm định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình, chính sách phát triển thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương đã không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển các dịch vụ khoa học công nghệ (KHCN) theo hướng đa dạng, mang lại hiệu quả hoạt động tối ưu.
Hoàn thành tốt mục tiêu chiến lược
Trong thời gian qua, Viện luôn tích cực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Công Thương về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bước đầu đã đạt được những kết quả khá quan trọng.
Viện có cơ cấu tổ chức phù hợp với mô hình Viện nghiên cứu Chiến lược, có tỷ lệ cán bộ làm công tác nghiên cứu cao. Xét về chất lượng, tỷ lệ cán bộ có trình độ Tiến sĩ trở lên đạt mức 15,2%, một con số khá cao so với mặt bằng chung các Viện. Số lượng học viên tham gia đạo tạo Tiến sĩ của Viện lớn nhất trong các Viện trực thuộc Bộ. Đây là một lợi thế giúp Viện hoàn thành tốt các mục tiêu chiến lược ưu tiên.
Các cán bộ nghiên cứu họp xây dựng chính sách. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương)
Nhờ đội ngũ trí thức, các nhà khoa học chất lượng cao, Viện đã có đóng góp đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; góp phần xây dựng, đánh giá hiệu quả, tác động của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển, chính sách, tiêu chuẩn và định mức kinh tế - kỹ thuật cho các ngành và lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương về công nghiệp và thương mại; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư và đổi mới công nghệ; hoạt động thông tin về công nghiệp và thương mại.
Giai đoạn 2016-2018, tổng số công bố khoa học của Viện là 66 công bố trong nước. Trong đó, chủ yếu là bài viết trên các tạp chí trong nước (50 bài), còn lại là sách và các chương sách (16 công bố). Số công bố khoa học/cán bộ nghiên cứu đạt mức 0,44 công bố/mỗi cán bộ nghiên cứu.
Năm 2020, Viện đã được Bộ Công Thương giao nhiều nhiệm vụ quan trọng phục vụ quản lý nhà nước của Bộ và các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược, các chính sách và giải pháp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành.
Mặc dù còn một số khó khăn về cơ sở vật chất kỹ thuật, lực lượng nghiên cứu, nhưng cùng với những cố gắng nỗ lực của tập thể công chức-viên chức, Viện đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Viện đã triển khai đúng tiến độ đăng ký và hoàn thành các nhiệm vụ khoa học công nghệ được đặt hàng theo Quyết định số 3896/QĐ-BCT của Bộ Công Thương.
Về công tác thông tin, tư liệu, thông tin khoa học và công nghệ được đảm bảo. Định kỳ hàng năm xuất bản ấn phẩm 12 kỳ đúng theo kế hoạch, phục vụ quản lý nhà nước về ngành công thương, thư viện điện tử và trang thông tin điện tử của Viện đã được khai thác khá hiệu quả phục vụ cho công tác nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ.
Về công tác hợp tác quốc tế,năm 2020 đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong hoàn cảnh đó, Viện đã đề ra chủ trương chú trọng, quan tâm tới công tác đối ngoại nhằm mục tiêu phát triển, nâng cao năng lực hợp tác Viện.
Năm 2021, chú trọng phát triển dịch vụ KHCN
Để triển khai và thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Viện đã đưa ra các phương hướng xây dựng Chiến lược và các định hướng ưu tiên phát triển từng giai đoạn. Cụ thể, xác định các lĩnh vực nghiên cứu khoa học ưu tiên, các dịch vụ KHCN trọng yếu làm căn cứ cơ cấu lại hệ thống đơn vị chuyên môn, phân bố nguồn nhân lực và tìm kiếm các nguồn lực tài chính phù hợp. Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu tổ chức để đảm bảo sự tập trung, không dàn trải, bổ sung cán bộ nghiên cứu cả về số lượng và chất lượng; tăng cường công tác đào tạo cán bộ. Cùng với đó là cải thiện các kết quả nghiên cứu khoa học.
Hội nghị tổng kết công tác tại Viện. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương)
Không chỉ vậy, cần chú trọng phát triển dịch vụ KHCN theo hướng đa dạng, tập trung vào các dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp; ngoài ra, các dịch vụ về đào tạo, cung cấp thông tin tư vấn cần được ưu tiên phát triển để đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ KHCN.
Thanh Mai
lên đầu trang