Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:48

Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:48

Chính sách

Cập nhật lúc 11:16 ngày 22/10/2015

Viện công nghệ Việt - Hàn kỳ vọng thu hút người tài

Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân phân tích nguyên nhân thành công của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, cho rằng cần có đột phá trong chính sách đãi ngộ mới có thể thu hút các nhà khoa học tài giỏi từ nước ngoài trở về.


Theo Bộ trưởng Quân Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) sẽ trở thành nơi thí điểm các chính sách và công nghệ mới, hiệu quả.

Bộ trưởng cho biết, có ba yếu tố quyết định thành công của KIST, một là họ có Đạo luật dành riêng cho nó, để nó được ưu đãi, vượt qua được tất cả các luật khác, có cơ chế hoạt động thông thoáng và thuận lợi. Hai là KIST được người lãnh đạo cao nhất của quốc gia quan tâm, giao cho nó quyền lực và những cơ chế chính sách tốt nhất, ba là Hàn Quốc có hệ thống chính sách đãi ngộ đủ để thu hút những người giỏi nhất của họ từ Mỹ, Nhật Bản và các nước khác về.

Chúng ta học tập những vấn đề này nhưng chắc là khó hơn rất nhiều, bởi cho đến nay chúng ta chỉ có một nghị định của Chính phủ, mà không có luật, VKIST được Thủ tướng rất quan tâm, nhưng phạm vi quyền lực của viện vẫn còn ở tầm thấp. Cuối cùng là chính sách đãi ngộ, các bộ đang ngồi với nhau để xây dựng chính sách thu hút.

Nếu Việt Nam không mạnh dạn đột phá thì các nhà khoa học nổi tiếng của chúng ta ở nước ngoài như Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn chắc là cũng không thấy đủ hấp dẫn để về làm việc ở viện này.

Bộ trưởng Nguyễn Quân coi là địa chỉ rất quan trọng để chúng ta thí điểm cơ chế chính sách theo thông lệ quốc tế, nếu nó thành công thì chúng ta quay trở lại sửa các cơ chế chính sách lỗi thời, lạc hậu, để các viện nghiên cứu khác cũng sẽ được cơ chế như VKIST. Các hệ thống viện cũng thành công như VKIST và sẽ được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới, như vậy KHCN Việt Nam mới có thể phát triển được.

Viện Việt-Hàn muốn đây cũng là ốc đảo thí điểm để thu hút các nhà khoa học giỏi của Việt Nam ở trong và ngoài nước đến làm việc. Từ đây sẽ tạo ra rất nhiều sản phẩm đóng góp cho nền công nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các công nghệ cao theo đơn đặt hàng của các tập đoàn lớn, của các doanh nghiệp lớn để có các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

Ngoài tiền lương, các nhà khoa học còn có thu nhập thêm từ việc thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp, từ việc chuyển nhượng các sản phẩm trí tuệ họ đã nghiên cứu thành công cho doanh nghiệp, từ việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào cho doanh nghiệp, các nhà khoa học thực sự nếu có kết quả nghiên cứu tốt sẽ có thu nhập cao hơn nhiều lần so với người đứng đầu chỉ hưởng lương và phụ cấp của viện. Viện đang làm việc với các bộ ngành để thống nhất thang bảng lương của những người làm khoa học ở đây.

Bước đầu tiên, Viện sẽ xây dựng bộ máy, hội đồng viện, bộ máy quản lý, hệ thống các cơ sở vật chất. Sau đó chúng tôi mời các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đến làm việc, thậm chí có thể thuê chuyên gia nước ngoài trong giai đoạn ban đầu để giúp xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như hoạt động tư vấn cho nghiên cứu của Viện. Dự kiến sau 3 năm xây dựng cơ bản, Viện sẽ đi vào hoạt động.

Theo VnExpress

lên đầu trang