Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:44

Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:44

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:53 ngày 23/02/2021

Để Việt Nam trở thành nền kinh tế đổi mới sáng tạo trong tương lai

“Việt Nam là quốc gia đang có những bước phát triển nhảy vọt, vì vậy chúng tôi phải đặt mục tiêu dài hơn và cao hơn, đồng thời cố gắng xem xét những việc cần làm ngay bây giờ để Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế đổi mới sáng tạo trong tương lai”, ông Seung Hyun Kim, Trưởng nhóm hợp tác toàn cầu, Trung tâm Phát triển quốc tế, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) về sự khác biệt Kế hoạch năng suất của Việt Nam với các quốc gia khác, ông Arsyoni Buana, Chuyên viên quản lý dự án cao cấp, Phòng Dịch vụ các nước thành viên, APO nhận định: “Với Việt Nam, điểm khác biệt đặc biệt của dự án này là sự nhấn mạnh vào đổi mới sáng tạo. Mặc dù các nền kinh tế khác cũng nhắc đến đổi mới sáng tạo nhưng kế hoạch tổng thể của Việt Nam có sự tập trung và nhấn mạnh hơn.
Đối với APO, chúng tôi cho rằng đó là một hướng đi đúng đắn vì về lâu dài năng suất sẽ bị ảnh hưởng và quyết định bởi đổi mới sáng tạo. Một điểm khác biệt nữa mà chúng ta có thể thấy là Kế hoạch tổng thể về năng suất của Việt Nam được Chính phủ phê duyệt để thực hiện. Tôi nghĩ rằng đây là trường hợp thành công mà chúng ta nên chia sẻ với thế giới và có lẽ nên nhân rộng ở khắp mọi nơi”.
Ông Seung Hyun Kim, Trưởng nhóm hợp tác toàn cầu, Trung tâm Phát triển quốc tế, KDI trong buổi tọa đàm quốc tế Nâng cao năng suất của Việt Nam dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo do Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) tổ chức. 
Bên cạnh đó, ông Seung Hyun Kim, Trưởng nhóm hợp tác toàn cầu, Trung tâm Phát triển quốc tế, KDI cũng cho biết: “Khi nhận được đặt hàng của APO giúp cho Việt Nam xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phía KDI nhận thấy được những thuận lợi, thách thức. Cụ thể, thách thức lớn nhất chính là dự án đầu tiên chúng tôi làm với APO lại là về Việt Nam; một đất nước đã và đang phát triển với tốc độ ngoạn mục. Chúng tôi phải tự hỏi mình: "Liệu chúng ta có thể mang lại một cái gì đó mới với giá trị gia tăng trong Kế hoạch tổng thể, cho một nền kinh tế vốn đang hoạt động khá tốt, đặc biệt là về năng suất?".
Việt Nam là một quốc gia đang có những bước phát triển nhảy vọt, vì vậy chúng tôi phải đặt mục tiêu dài hơn và cao hơn, đồng thời cố gắng xem xét những việc cần làm ngay bây giờ để Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế đổi mới sáng tạo trong tương lai”.
Ông Seung Hyun Kim cho biết thêm: “Trong quá trình giúp Việt Nam xây dựng kế hoạch, phía KDI đã phải nghiên cứu các dữ liệu mang tính định lượng và các thống kê liên quan đến năng suất, nhưng để có đánh giá chính xác hơn, chúng tôi đã tiến hành các cuộc phỏng vấn sâu và nghiên cứu các tài liệu từ Việt Nam. Chúng tôi đã tiếp xúc hàng chục tổ chức và cá nhân từ chính phủ, viện nghiên cứu và khu vực tư nhân, tất cả đều có sự giúp đỡ của Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL)”.
“Tôi nghĩ rằng tổng số tổ chức và cá nhân là gần một trăm, để đạt được điều đó tôi phải cảm ơn mọi người ở Viện Năng suất Việt Nam và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Các tổ chức và những người chúng tôi gặp đã chia sẻ với chúng tôi những điểm rất thẳng thắn, sâu sắc và cần thiết cho kế hoạch tổng thể”, ông Seung Hyun Kim nói.
Ngoài ra, nói về cách thức triển khai kế hoạch trong thời gian tới, TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho hay: “Triển khai chương trình này, chúng tôi nghĩ rằng, đây thực chất là một chương trình mang tính chất xây dựng thể chế. Kế hoạch đặt ra mục tiêu là 30 tỉnh thành có kế hoạch chi tiết để triển khai năng suất và phương pháp chúng tôi định áp dụng chính là phương pháp KDI áp dụng để đánh giá tổng thể ở Việt Nam. Tổng cục và VNPI cũng sử dụng phương pháp này để áp dụng đánh giá hoạt động năng suất của các địa phương Việt Nam.
Cùng với đó, chúng ta sẽ phấn đấu có từ 10-12 tập đoàn, tổng công ty xây dựng được các phong trào năng suất. Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra một phong trào năng suất ở Việt Nam và đây chính là mục tiêu khó khăn chúng cần phải thực hiện. Phong trào năng suất phải là phong trào thực sự giúp cho hoạt động năng suất, tư duy năng suất, tư duy cải tiến có trong mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ quan của Chính phủ.
Đó cũng chính là cách thức mà chúng tôi, Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL sẽ phối hợp cùng các tập đoàn, tổng công ty, địa phương, các trường đại học cũng như các cá nhân, tổ chức khác để triển khai kế hoạch năng suất trong 10 năm tới. Trong giai đoạn triển khai sắp tới, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của KDI và APO”, ông Hiệp nói.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030.
Dưới sự giúp đỡ tích cực từ Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cùng sự quyết tâm từ phía Việt Nam, kế hoạch sẽ sớm được đưa vào triển khai trong thực tế, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo: VietQ.vn

lên đầu trang