Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:44

Thứ sáu, 29/03/2024 | 13:44

Chính sách

Cập nhật lúc 07:44 ngày 25/02/2021

Chương trình 592: Góp phần hình thành doanh nghiệp KH&CN và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN công lập

Với mục tiêu góp phần hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN), cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN; nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tự chủ của tổ chức KH&CN công lập…, ngày 22/5/2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 592/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592). Sau 5 năm triển khai thực hiện (từ năm 2015), Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ngoài những vướng mắc cần khắc phục, tác giả kiến nghị Chương trình 592 cần tiếp tục được thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập.
Nhiều sản phẩm KH&CN được hình thành
Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai Chương trình 592 (năm 2015) đến nay, Bộ KH&CN đã xét chọn và phê duyệt thực hiện gần 30 dự án KH&CN. Kết quả của các dự án đều là sản phẩm có tính mới, có hàm lượng KH&CN, được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo số liệu thống kê, Chương trình 592 đã hỗ trợ hoàn thiện 86 quy trình công nghệ/dây chuyền thiết bị/phần mềm; xây dựng ban hành 26 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm; phát triển được 36 mô hình trình diễn công nghệ và mô hình sản xuất thương mại các sản phẩm; 58 sản phẩm được thương mại hóa đạt kết quả tốt; đào tạo được 60 cán bộ kỹ thuật, và bồi dưỡng, tập huấn cho gần 600 người khai công nghệ của dự án Hiệu quả của các dự án được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể sau:
Giúp nâng cao tiềm lực KH&CN của đơn vị chủ trì: thông qua việc triển khai dự án, các khóa đào tạo, tập huấn, nhiều tổ chức KH&CN đã nâng cao tiềm lực (nhân lực, vật lực), hình thành bộ phận nghiên cứu và triển khai (R&D) trong doanh nghiệp như Công ty Dược phẩm CPC1 (Hà Nội), HTX Linh Dược Sơn (Hòa Bình). Nhiều doanh nghiệp đã dành kinh phí đầu tư cho KH&CN với mức đầu tư tăng hàng năm 1; chủ động hợp tác, liên doanh, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để cùng giải quyết những vấn đề KH&CN của doanh nghiệp.
Góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội: 100% các sản phẩm, quy trình công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn, sản xuất ra các sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, thương mại hóa tốt trên thị trường, đóng góp lớn vào tăng trưởng của doanh nghiệp, như sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Quang Vinh (dự án Hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất gốm sứ mỹ nghệ cao cấp ở quy mô công nghiệp) 2; sản phẩm thuốc tiêm Palonosetron, Carbetocin và thuốc khí dung Budesonid của Công ty Dược phẩm CPC1 (dự án Hoàn thiện quy trình sản xuất thuốc tiêm Palonosetron, Carbetocin và thuốc khí dung Budesonid quy mô công nghiệp sử dụng công nghệ BFS - Blow-Fill-Seal) 3; sản phẩm maltodextrin, nha maltose và bột protein của Công ty CP thực phẩm Minh Dương (dự án Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm (maltodextrin, nha maltose và bột protein) từ gạo ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm) 4…

Sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Quang Vinh.
Hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN: Chương trình 592 đã hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ ra sản phẩm mới: 15 doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ tổ chức KH&CN công lập sang doanh nghiệp để phát triển doanh nghiệp KH&CN, đạt mục tiêu kép vừa nâng cao năng lực cho tổ chức KH&CN công lập vừa phát triển doanh nghiệp KH&CN: 05 tổ chức; hỗ trợ trực tiếp tổ chức KH&CN công lập để thành lập doanh nghiệp KH&CN: 6 doanh nghiệp.
Góp phần nâng cao năng lực tự chủ của tổ chức KH&CN công lập: một số dự án do tổ chức KH&CN chủ trì triển khai thành công đã tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng thương mại hóa tốt, mang lại nguồn thu cho tổ chức KH&CN, giúp nâng cao năng lực tự chủ cho tổ chức KH&CN công lập, như các sản phẩm giống cây dược liệu thuộc dự án Hoàn thiện công nghệ nhân giống In vitro và nuôi trồng một số cây thuốc quý có giá trị kinh tế cao (Lan kim tuyến - Anoectochilus setaceus Blume, Đinh lăng - Polycias fruticosa L. Harms. và Gừng gió - Zingber zerumber sm.) do Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chủ trì; sản phẩm nước mắm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Hà Tĩnh… Không chỉ giúp nâng cao năng lực cho tổ chức chủ trì, kết quả một số dự án đã được chuyển giao để thành lập doanh nghiệp KH&CN.Góp phần tạo công ăn, việc làm cho người dân: các dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương, nơi đơn vị chủ trì triển khai dự án. Tổng hợp từ các dự án cho thấy, đã tạo được việc làm mới cho hàng trăm lao động tại các địa phương - một kết quả rất có ý nghĩa đối với người dân ở địa bàn thực hiện dự án.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, quản lý và thực hiện Chương trình 592 cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như:
- Mặc dù số lượng đề xuất về Chương trình nhiều nhưng kết quả xét chọn, tuyển chọn chưa được như mong đợi do chất lượng đề xuất chưa tốt; nhiều đề xuất chưa trúng với mục tiêu, nội dung của Chương trình hoặc thiếu tính khả thi trong việc thương mại hóa sản phẩm, làm cơ sở để thành lập doanh nghiệp KH&CN.

Thuốc tiêm Palonosetron - Một sản phẩm của Công ty CPC1.
- Quy trình, thủ tục xét chọn, tuyển chọn, thẩm định kinh phí, kiểm tra, kiểm soát của nhiệm vụ cấp quốc gia nhìn chung đã được cải thiện nhưng vẫn còn khá rườm rà, nhiều thủ tục, nhiều bước rà soát đôi khi cứng nhắc đã gây tâm lý không tốt cho các tổ chức tham gia Chương trình và gây e ngại cho các tổ chức có ý định tham gia Chương trình. Ví dụ, Thông tư số 19/2016/TT-BKHCN (Thông tư 19) hướng dẫn quản lý Chương trình có quy định, để tham gia nội dung hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, tổ chức, cá nhân tham gia dự án phải chứng minh được quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp đối với kết quả KH&CN, công nghệ dự kiến triển khai tại dự án. Tuy nhiên, đến nay việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả KH&CN còn nhiều vướng mắc đối với cả kết quả KH&CN hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước lẫn không sử dụng ngân sách nhà nước.
- Một số nội dung quy định tại Thông tư 19 khó triển khai trên thực tế như hỗ trợ sử dụng trang thiết bị, dịch vụ tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia (hiện nay phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia chưa có cơ chế cho bên ngoài sử dụng chung thiết bị); hỗ trợ trang thiết bị dùng chung cho cơ sở ươm tạo; hỗ trợ đào tạo, tập huấn tại cơ sở ươm tạo… Nhiều nội dung của Chương trình chưa được triển khai cũng đã ảnh hưởng đến mục tiêu của Chương trình.
- Việc áp dụng quy trình quản lý dự án của Chương trình giống với quy trình quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia còn bất cập. Cụ thể: nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia có những tiêu chí, yêu cầu nhất định, trong khi Chương trình 592 với tính chất là một chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) nên quy mô của các dự án thường nhỏ, nhưng vẫn phải làm theo quy trình chặt chẽ của quản lý nhiệm vụ cấp quốc gia, gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện.
- Mẫu thuyết minh, tiêu chí đánh giá, chấm điểm của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia hiện tại có nhiều điểm chưa phù hợp với tính chất của các loại dự án do doanh nghiệp đề xuất (chủ yếu là dự án hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ để đưa vào sản xuất, không có nhiều nội dung nghiên cứu).
- Đối tượng tham gia chủ yếu là doanh nghiệp, đòi hỏi tiến độ phê duyệt dự án nhanh để kịp kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quy trình xét chọn nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia hiện nay phải qua nhiều bước, gây ra độ “trễ”, không theo kịp với tiến độ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Những hạn chế nêu trên là lý do khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc tham gia Chương trình.
Thay lời kết
Phát triển các doanh nghiệp KH&CN, nâng cao năng lực tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Mặc dù trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp KH&CN đã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, tuy nhiên, do đa số doanh nghiệp KH&CN và các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp KH&CN là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn rất hạn chế, việc đầu tư cho các hoạt động KH&CN chứa nhiều rủi ro, nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước một cách bài bản và lâu dài. Ban Chủ nhiệm Chương trình đề nghị trong thời gian tới, trên cơ sở tổng kết những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, Chương trình 592 sẽ tiếp tục được phê duyệt thực hiện nhằm giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh, giúp các tổ chức KH&CN công lập nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo nguyên tắc:
- Quán triệt chủ trương coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN; khuyến khích, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển doanh nghiệp KH&CN; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa là kết quả của hoạt động KH&CN.
- Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập; hỗ trợ đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập góp phần xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức KH&CN mạnh, nâng cao tiềm lực KH&CN của quốc gia.
- Tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN để gắn kết nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo và sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực.
Ghi chú:
1 Công ty CPC1 đã dành 16 tỷ đồng đầu tư cho KH&CN (tăng 50%/năm); Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc dành 500 triệu đồng (tăng hàng năm khoảng 3%); Công ty TNHH Quang Vinh: 300 triệu đồng (tăng 15% /năm).
2 Theo báo cáo của Công ty, kết quả của dự án đóng góp vào mức tăng trưởng của đơn vị ước đạt 120%/năm. Sản phẩm KH&CN của dự án có khả năng tăng thị phần trong nước từ 3% năm 2018 lên 15% trong 5 năm tới.
3 Kết quả của dự án đóng góp vào mức tăng trưởng của CPC1 ước đạt 50 %/năm. Sản phẩm có khả năng tăng thị phần trong nước từ  5% lên 10% trong 5 năm tới.
4 Kết quả của dự án đã đóp góp vào tăng trưởng của đơn vị ước đạt 10%/năm.
Theo Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam
lên đầu trang