Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 17/04/2024 | 01:29

Thứ tư, 17/04/2024 | 01:29

Tin KHCN

Cập nhật lúc 19:22 ngày 27/02/2021

UNCTAD công bố Báo cáo Công nghệ và Đổi mới năm 2021

Ngày 25/2, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã công bố Báo cáo Công nghệ và Đổi mới năm 2021.
UNCTAD kêu gọi các quốc gia đang phát triển tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội để cung cấp mạng lưới an toàn cho những người lao động có thể mất kế sinh nhai. Ảnh minh họa: TTXVN
Qua đó cảnh báo những tác động nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển nếu các cộng đồng và quốc gia nghèo bị lấn át hoặc đơn giản là bị bỏ lại phía sau trước các làn sóng công nghệ mới.
Các nỗ lực phục hồi hậu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mang đến cơ hội cho các chính phủ và cộng đồng quốc tế sử dụng các công nghệ mới và mới nổi tận dụng số hóa và kết nối bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain), 5G, in 3D, người máy (robot), máy bay không người lái, chỉnh sửa gen, công nghệ nano và quang điện mặt trời, để giảm bớt sự bất bình đẳng do đại dịch gây ra.
Các công nghệ đang phát triển nhanh chóng này đại diện cho một thị trường trị giá 350 tỷ USD mà có thể tăng lên hơn 3.200 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo có tên “Nắm bắt làn sóng công nghệ: Đổi mới vốn”.
Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant cho rằng điều quan trọng là các nước đang phát triển không bỏ lỡ các làn sóng công nghệ tiên phong, nếu không bất bình đẳng sẽ ngày càng làm sâu sắc thêm. Do vậy các xã hội và các lĩnh vực sản xuất cần được chuẩn bị tốt và xây dựng các kỹ năng cần thiết.
Theo báo cáo, mỗi làn sóng thay đổi công nghệ đã mang lại sự bất bình đẳng trong những hình dạng mới. Khoảng cách lớn tồn tại giữa các quốc gia ngày nay bắt đầu với sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên cách đây hơn 250 năm trước. Kể từ đó, mỗi bước phát triển vượt bậc đều mang lại sự bất bình đẳng rõ nét hơn giữa các quốc gia.
Kết quả của một thế hệ đã ảnh hưởng đến cơ hội cho thế hệ tiếp theo, dẫn đến sự lan truyền bất bình đẳng giữa các thế hệ. Từ năm 1820 đến năm 2002, tỷ lệ đóng góp của bất bình đẳng giữa các quốc gia vào bất bình đẳng toàn cầu đã tăng từ 28% lên 85%.
Các quốc gia được chuẩn bị tốt nhất để sử dụng, áp dụng và thích ứng các công nghệ này chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu, trong khi những quốc gia được chuẩn bị ít nhất là ở châu Phi cận Sahara và các khu vực đang phát triển khác.
Ngày nay, những lo ngại chính liên quan đến rủi ro của việc tự động hóa chiếm dụng việc làm trên quy mô lớn. UNCTAD kêu gọi các quốc gia đang phát triển tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội để cung cấp mạng lưới an toàn cho những người lao động có thể mất kế sinh nhai.
UNCTAD cảnh báo về những hệ lụy nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển nếu các cộng đồng và quốc gia nghèo bị choáng ngợp hoặc đơn giản là bị bỏ lại phía sau bởi làn sóng công nghệ mới này.
Báo cáo nêu rõ: Tiến bộ công nghệ là cần thiết cho phát triển bền vững nhưng cũng có thể kéo dài sự bất bình đẳng hoặc tạo ra những bất bình đẳng mới. Do đó, nhiệm vụ của các chính phủ là tối đa hóa những lợi ích tiềm năng, đồng thời giảm thiểu những hậu quả có hại.
Thành công trong thế kỷ 21 sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận cân bằng - xây dựng một nền tảng công nghiệp vững chắc và thúc đẩy các công nghệ tiên phong có thể giúp đưa ra Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và tầm nhìn toàn cầu về xã hội lấy con người làm trung tâm, toàn diện và bền vững.
UNCTAD cho rằng các nước đang phát triển cần phải hướng tới việc truy cập Internet toàn cầu và đảm bảo tất cả công dân của họ có cơ hội học hỏi các kỹ năng cần thiết cho các công nghệ tiên tiến.
Tổ chức này cũng kêu gọi các nước đang phát triển áp dụng các công nghệ tiên tiến trong khi tiếp tục đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng cách làm chủ các công nghệ hiện có.
Theo: TTXVN

lên đầu trang